Luật trên có hiệu lực ngay lập tức từ ngày 30/7, theo đó mọi ứng cử viên muốn chạy đua vào Nhà Trắng phải công khai hoàn thuế thu nhập trong 5 năm mới được tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang đông dân nhất nước Mỹ này. Luật trên không nhắc đích danh ông Trump, tuy nhiên đương kim Tổng thống Mỹ lâu nay luôn từ chối công khai hồ sơ thuế kể từ khi ông tranh cử tổng thống năm 2016.
Luật trên ra đời vào đúng lúc các nghị sĩ đảng Dân chủ mở các cuộc điều tra nhằm vào vấn đề hoàn thuế thu nhập của ông Trump cũng như các vấn đề liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong bối cảnh khó có ứng cử viên nào của đảng có thể tạo ra thách thức thực sự đối với ý định tái cử của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ, nên đảng Dân chủ đang tập trung công kích ông Trump khi tìm cách buộc Tổng thống đương nhiệm công khai hồ sơ thuế của mình.
Tuyên bố khi ký ban hành luật trên, Thống đốc Newsom, thành viên đảng Dân chủ, nhấn mạnh cần làm mọi cách để "đảm bảo rằng các lãnh đạo tìm kiếm những vị trí cao nhất phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhỏ nhất". Ông cho biết yêu cầu công khai thuế trong đạo luật vừa được thông qua sẽ làm sáng tỏ các xung đột lợi ích, tự gây ảnh hưởng hoặc hưởng lợi từ các lợi ích kinh doanh trong và ngoài nước.
Trong phản ứng của mình, đội ngũ tranh cử của ông Trump khẳng định mọi đạo luật cấp bang quy định về tư cách của các ứng cử viên tổng thống đều là vi hiến. Luật sư của ông Trump, Jay Sekulow cho biết đạo luật của bang California "sẽ được trả lời tại tòa".
Luật trên đã được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cơ quan lập pháp bang California với đa số là các thành viên đảng Dân chủ hồi tháng trước và được cho là sẽ chỉ tác động tới các ứng cử viên tham gia cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng mình tại bang này, không ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tháng 11/2020.