Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia giáo dục chỉ ra tình trạng thiếu giáo viên mà họ đã lên tiếng cảnh báo trong nhiều năm qua đã trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch COVID-19. Đội ngũ giáo viên phải đối mặt với những căng thẳng do phương thức học trực tuyến và lo sợ tiếp xúc với học sinh mắc bệnh.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trong bang khi mùa tựu trường đến gần, Thống đốc bang Florida ông Ron DeSantis đã ký thành luật Khóa học Chứng nhận Cựu Quân nhân vào ngày 9/6 vừa qua sau khi khóa học này được cả hai viện của cơ quan lập pháp Florida thông qua mà không có bất kỳ phiếu phản đối nào. Quy định mới cấp cho các cựu quân nhân một chứng chỉ tiêu chuẩn giảng dạy trong 5 năm và cho phép họ làm giáo viên trong khi chờ lấy bằng cử nhân.
Theo Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, bang Florida có tổng cộng khoảng 195.000 giáo viên trường học công và trung bình mỗi ngày có tới 2,5 triệu học sinh tới trường trong năm 2021. Tính đến 24/8, đã có 282 cựu chiến binh nộp đơn để cấp chứng chỉ giảng dạy.
Phương pháp này đã trở thành chủ đề tranh luận nóng với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo công đoàn giáo viên thuộc Hiệp hội Giáo dục Flordia, thay vì triển khai các chương trình như Khóa học Chứng chỉ Cựu Quân nhân, chính quyền các bang nên ngừng xúc phạm giáo viên và thông qua luật trừng phạt những người có quan điểm bảo thủ về các vấn đề chủng tộc hoặc cộng đồng LGBTQ.
“Nếu thống đốc cho rằng việc tuyển dụng các cựu binh sẽ giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên, thì ông ấy đã nhầm. Bởi vì không ai muốn dấn thân vào một công việc mà nhân viên thì bị ngược đãi hàng ngày”, Chủ tịch công đoàn Andrew Spar chia sẻ hồi tháng 8.
Văn phòng của Thống đốc DeSantis đã chuyển các câu hỏi đến Sở Giáo dục Florida. Theo ông Alex Lanfranconi - người phát ngôn viên của Sở, công đoàn đang không làm gì khác ngoài việc phàn nàn, truyền bá thông tin sai lệch và không đưa ra giải pháp hữu hiệu với các giáo viên mà họ đại diện.
Marlon Greig, một giáo viên tại trường Tiểu học Earlington Heights ở Miami, cho biết anh có người thân làm trong Lục quân và Lực lượng Không quân. Tuy nhiên, nếu những người đó làm giáo viên, anh sẽ không tin tưởng mà giao con mình cho họ dạy.
“Thật không công bằng khi một người nào đó không đủ năng lực và trình độ tới lớp học làm giáo viên, không hề chuẩn bị cho công việc giảng dạy và định hình suy nghĩ của những đứa trẻ”, anh Greig bức xúc.
Trong khi đó, Vincent Buggs, một vị tướng trong quân đội Mỹ, tin rằng các cựu chiến binh có thể tạo dựng được những giáo trị trong lớp học. "Điều đó là oàn toàn có thể. Có những giáo viên vừa mới ra trường và tạo ra sức ảnh hưởng ngay lập tức trong lớp học”, tướng Buggs lý giải.
Theo một cuộc khảo sát với 2.379 thành viên Liên đoàn Giáo viên Mỹ do Tổ chức Nghiên cứu Hart thực hiện từ ngày 17 đến ngày 21/6, 79% người tham gia bày tỏ sự không hài lòng với điều kiện công việc, trong khi chỉ có 20% trả lời là hài lòng.
Sau 2 năm đại dịch COVID-19, các giáo viên bức xúc với khối lượng công việc nhiều hơn, học sinh trở nên thờ ơ, mất tập trung, chế độ đãi ngộ thiếu lương thưởng và sự hỗ trợ từ phụ huynh và ban giám hiệu.
Richard Ingersoll, chuyên gia hàng đầu về giáo dục từ Đại học Pennsylvania, kêu gọi: “Chúng ta mất quá nhiều người trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Chúng ta cần tăng cường giữ chân họ”.
Các chuyên gia nhận định rằng tác động từ việc thiếu hụt giáo viên đối với nền giáo dục nước Mỹ vẫn chưa được xác định cụ thể do họ đang chờ dữ liệu từ Bộ Giáo dục.
Linda Darling-Hammond, Chủ tịch Viện Chính sách Học tập, một tổ chức tư vấn độc lập quốc gia, cho biết các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về tình trạng thiếu giáo viên ngay từ năm 2016.
“Yếu tố quan trọng nhất để dự đoán về thành tích của học sinh là trình độ của giáo viên. Vì vậy, khi lực lượng giảng dạy bị suy giảm, thành tích của học sinh cũng sẽ chịu một tác động đáng kể”, bà Linda kết luận.