Trong đơn kiện gửi tòa án bang ở hạt Polk, bà Bird cáo buộc TikTok và công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc lừa dối về việc phổ biến trên nền tảng TikTok các nội dung liên quan ma túy, ảnh khỏa thân, rượu và ngôn từ tục tĩu.
Bà Bird khẳng định: "TikTok đã che giấu sự thật với các bậc cha mẹ. Đã đến lúc chúng ta phải làm sáng tỏ việc TikTok để trẻ nhỏ tiếp xúc với các nội dung phản cảm như khiêu dâm, tự làm hại bản thân, sử dụng ma túy bất hợp pháp và tệ hơn nữa".
Với cáo buộc trên, bang Iowa tìm kiếm các hình phạt tài chính và lệnh cấm TikTok tái diễn các hành vi lừa dối.
Về phần mình, TikTok khẳng định nền tảng này "đã có biện pháp bảo vệ giới trẻ”, trong đó có tạo quyền kiểm soát của phụ huynh và giới hạn thời gian đối với người dùng dưới 18 tuổi. Thông báo của TikTok nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết giải quyết các thách thức và sẽ tiếp tục ưu tiên an toàn cho cộng đồng”.
Đây là vụ kiện mới nhất ở Mỹ chống lại TikTok. Cũng như nhiều công ty truyền thông xã hội khác, TikTok đang phải đối mặt với áp lực từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại. Các bang Arkansas và Utah cũng đã khởi kiện tương tự. Một thẩm phán ở bang Indiana đã bác bỏ vụ kiện TikTok vào tháng 11 vừa qua của người đứng đầu cơ quan tư pháp của bang này, trong khi các bang khác đang điều tra.
Ngày 2/1, bang Montana cho biết đang kháng cáo phán quyết của thẩm phán hồi tháng 11/2023 nhằm ngăn chặn lệnh cấm đầu tiên của bang này đối với việc sử dụng TikTok. Lệnh cấm của Montana dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhưng ngày 30/11/2023, Thẩm phán Donald Molloy đã ra phán quyết ngăn chặn việc thực hiện lệnh cấm, cho rằng việc này "vi hiến" và "vượt quá thẩm quyền của bang".
Theo kế hoạch, ngày 31/1 tới, Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok, ông Shou Zi Chew sẽ cùng các CEO công ty truyền thông xã hội khác điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về cáo buộc khai thác nội dung tình dục trẻ em.