Queensland là bang đông dân thứ 3 ở Australia, đã đóng cửa biên giới với bang New South Wales từ tháng 7 và sau đó là với bang Victoria để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Bang Queensland đưa ra quyết định mở cửa trở lại sau khi vượt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số từ 16 tuổi trở lên, một điều kiện tiên quyết để tiến tới nới lỏng những quy định phòng ngừa dịch bệnh. Hãng hàng không Qantas cho biết trong ngày 13/12 sẽ thực hiện 100 chuyến bay đến và đi từ Queensland để phục vụ gần 10.000 hành khách, trong đó hầu hết hành khách đã đặt vé trước.
Các bang của Australia đang dần nới lỏng những hạn chế biên giới sau khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, bất chấp những nguy cơ của biến thể Omicron. Bang Tasmania sẽ mở cửa trở lại với các bang khác vào cuối tuần này, trong khi bang Western Australia sẽ thông báo kế hoạch tương tự vào cuối ngày 13/12. Trong khi đó, bang South Australia đã đón du khách từ các bang khác kể từ cuối tháng 11 vừa qua.
Hiện Australia ghi nhận gần 229.000 ca mắc COVID-19, trong đó 2.104 ca tử vong. Đến nay, nước này đã có khoảng 70 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó chủ yếu là ở Sydney.
* Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố bắt đầu từ tuần này, vùng England tiến hành tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả người trên 18 tuổi nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm biến thể mới Omicron.
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong một tuyên bố trên truyền hình ngày 12/12, Thủ tướng Johnson cho biết mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành đặt ra ban đầu vào cuối tháng 1/2022 sẽ được đẩy sớm lên tháng 12 năm nay, và một số cuộc hẹn khám bệnh thông thường có thể bị hoãn lại để tập trung vào chương trình tiêm vaccine tăng cường.
Thủ tướng Johnson cho biết để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng mới, chính phủ sẽ triển khai lực lượng quân đội để hỗ trợ các điểm tiêm chủng bổ sung và các điểm tiêm lưu động sẽ được thành lập trong khi các phòng khám sẽ kéo dài thời gian mở cửa trong ngày. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại Scotland, Wales và Bắc Ireland.
Ông Johnson cho biết Anh đang phải đối mặt với tình huống khẩn cấp trong cuộc chiến chống biến thể Omicron và 2 mũi vaccine là chưa đủ hiệu quả để ngăn ngừa biến thể này. Ông nhấn mạnh tại thời điểm hiện tại, các nhà khoa học chưa thể khẳng định Omicron ít nghiêm trọng hơn các biến thể khác, song họ chắc chắn rằng mũi vaccine thứ 3 sẽ mang lại khả năng bảo vệ chống lại biến thể mới. Thủ tướng Johnson cho biết thêm ngay cả khi Omicron không gây bệnh nghiêm trọng, sự lây lan nhanh của biến thể này ở những người chưa tiêm mũi tăng cường sẽ dẫn đến các ca nhập viện gia tăng, gây áp lực lên hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), và hậu quả là các ca tử vong sẽ tăng. Dữ liệu nghiên cứu ban đầu cho thấy việc tiêm mũi tăng cường giúp ngăn ngừa khoảng 75% các ca mắc Omicron có triệu chứng.
Tuyên bố của Thủ tướng Anh được đưa ra sau khi nước này ghi nhận các ca nhập viện đầu tiên do biến thể Omicron và giới chức y tế nâng mức cảnh báo dịch COVID-19 từ mức 3 lên mức 4, mức cảnh báo dịch cao thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp độ. Ngày 12/12, Anh ghi nhận thêm 1.239 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên hơn 3.137 ca, trong khi con số trên thực tế được cho là cao hơn nhiều.
Mô hình nghiên cứu mới đây của Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London cho thấy nếu không có các biện pháp hạn chế bổ sung ngoài Kế hoạch B, Anh có thể chứng kiến 75.000 ca tử vong do COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron vào cuối tháng 4/2022. Kế hoạch B, được Chính phủ Anh kích hoạt từ ngày 13/12, là kế hoạch ngừa COVID-19 trong đó có quy định đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và hộ chiếu vaccine tại các sự kiện đông người. Cũng từ ngày 13/12, những người tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, sẽ phải thực hiện xét nghiệm nhanh trong 7 ngày thay vì tự cách ly, trong khi những người chưa tiêm sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày.