WA Health cho biết, hai trường hợp mắc bệnh thuộc biến thể Clade 2 của virus, nhẹ hơn và không liên quan đến biến thể Clade 1b nghiêm trọng vốn đang lây lan khắp khu vực Tây và Trung Phi. Hiện 2 trường hợp này vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
Giám đốc Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm của WA Health, Tiến sĩ Paul Armstrong kêu gọi các nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng nên nhanh chóng đi xét nghiệm nếu nghi ngờ mắc bệnh. Ông cho biết số ca mắc mpox đã gia tăng ở Australia trong vài tháng qua - đặc biệt là ở đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới hoặc quan hệ với nhiều bạn tình.
Tính đến nay, Hệ thống Giám sát bệnh tật Quốc gia Australia đã ghi nhận 283 ca mắc mpox trên toàn quốc trong năm 2024, tăng đột biến so với chỉ 26 ca vào năm ngoái. Phần lớn số ca trong năm nay xuất hiện ở bang Victoria, với 121 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính và tại bang New South Wales, với 118 ca mắc bệnh. Các bang và vùng lãnh thổ còn lại ghi nhận ít hơn, trong khi bang Tasmania chưa báo cáo trường hợp mắc bệnh nào.
Tiến sĩ Armstrong cho biết những người mắc chủng mpox Clade 2 thường gặp các triệu chứng nhẹ hơn, có thể kéo dài từ 2-4 tuần và tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu, trong khi chỉ một số ít người có triệu chứng nặng.
Ông nhấn mạnh việc tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn ngừa lây lan ở những người có nguy cơ mắc mpox cao nhất.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 12 trong số 54 quốc gia “Lục địa Đen”. Cho đến nay, CHDC Congo ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh nhất.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong tổng số 18.910 ca nhiễm bệnh trong năm 2024, khoảng 94% - tương đương 17.794 ca là các bệnh nhân tại CHDC Congo, với hơn 500 ca tử vong được báo cáo. Riêng chỉ trong tuần trước (tính đến ngày 20/8), nước này ghi nhận 1.030 trong số 1.405 ca nhiễm mới ở châu Phi. Chỉ 16% số ca trên được xác nhận bằng xét nghiệm virus, trong khi những ca khác có các dấu hiệu về căn bệnh này.
Tại quốc gia Đông Phi Burundi, kể từ khi dịch mpox bùng phát ngày 25/7, đã có 153 ca bệnh được xác nhận trên khắp cả nước, trong đó phía Bắc thành phố Bujumbura là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính phủ Burundi cũng đã đưa ra một kế hoạch ứng phó kéo dài 6 tháng, với chi phí khoảng 15 triệu USD, nhằm hợp tác với các đối tác quốc tế để đối phó với bệnh dịch.
Đầu tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Một số người hy vọng điều này sẽ khuyến khích các nhà tài trợ chia sẻ vaccine đồng thời đưa ra các hình thức hỗ trợ khác nhằm làm giảm các đợt bùng phát ở châu Phi, trước khi dịch bệnh lan rộng ra quốc tế.
Hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic ngày 21/8 cho biết đã ký hợp đồng cung cấp 440.000 liều vaccine phòng bệnh mpox cho một quốc gia châu Âu khác. Hãng cho biết có kế hoạch cung cấp tới 10 triệu liều vaccine vào cuối năm 2025.