Phát biểu trước các nhà ngoại giao ở Dhaka ngày 18/8, ông Yunus nêu rõ lộ trình của chính phủ lâm thời hướng đến ổn định đất nước, bắt đầu bằng một cuộc bầu cử tự do, công bằng. Ông Yunus cho biết khôi phục luật pháp và trật tự trong nước là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tự do, công bằng ngay khi hoàn thành nhiệm vụ thực hiện các cải cách quan trọng trong ủy ban bầu cử, tư pháp, chính quyền dân sự, lực lượng an ninh và phương tiện truyền thông".
Ông Yunus khẳng định Bangladesh sẽ đạt được trạng thái bình thường "với sự ủng hộ không ngừng của người dân và các lực lượng vũ trang yêu nước".
Ngoài cải cách chính trị, ông Yunus cũng nhấn mạnh nhu cầu cải cách kinh tế mạnh mẽ ở Bangladesh. Ông cho biết chính phủ sẽ tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng để khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực quản trị và chống tham nhũng.
Ông Yunus kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ việc tái thiết và quá trình chuyển đổi ở Bangladesh. Ông khẳng định Bangladesh sẽ duy trì lập trường thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc (LHQ) là nòng cốt. Chính phủ Bangladesh sẽ phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ lợi ích.
Ông Yunus cũng hoan nghênh quyết định của LHQ cử một phái đoàn đến Bangladesh để điều tra tình trạng bạo lực gần đây tại quốc gia này, đồng thời cam kết hợp tác toàn diện với các nhà điều tra quốc tế.
Ngày 6/8 vừa qua, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước. Ông Muhammad Yunus được chỉ định làm người đứng đầu chính phủ lâm thời và đã nhậm chức ngày 8/8.