Kết luận trên đã được đề cập trong báo cáo đáng chú ý của LHQ, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ủy quyền công bố ngày 19/2 trên tạp chí y học The Lancet.
Báo cáo dẫn đánh giá của hơn 40 chuyên gia y tế trẻ em và thanh thiếu niên hàng đầu thế giới khẳng định không quốc gia nào trên Trái Đất có biện pháp thích đáng trong việc bảo vệ thế hệ tương lai trước những tác động tiêu cực của khí thải carbon, tình trạng phá hoại tự nhiên và các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều calorie. Theo các chuyên gia này, lượng khí thải carbon quá mức trong không khí đang đe dọa tương lai của tất cả trẻ em và sẽ mang nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, từ các đợt nắng nóng gây chết người đến gia tăng sự lây lan của các loại dịch bệnh.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến việc trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với các quảng cáo nguy hại lan tràn trên thị trường về những loại thực phẩm nhiều chất béo và đường, rượu bia và thuốc lá.
Giáo sư Anthony Costello - Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học London (UCL) nêu rõ: "Thông điệp to lớn gửi tới các nước là cần phải bảo vệ sức khỏe của trẻ em ngày nay và tương lai của con em chúng ta". Ông nhấn mạnh hiện có giải pháp đối với vấn đề này, và điều thế giới không có hiện nay, đó là sự lãnh đạo mang tính chính trị. Giáo sư nhấn mạnh đây là điều mà thế giới cần làm trong tương lai. Đồng tình với nhận định trên, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách thất bại trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của trẻ em cũng như bảo vệ hành tinh Xanh.
Những nội dung đề cập trong báo cáo cũng đã phản ánh kết quả đánh giá về hành động của 180 nước trên thế giới trong vấn đề sinh hoạt, giáo dục, dinh dưỡng của trẻ em, trong đó đề cập đến thực tế đối lập giữa tỷ lệ trẻ em suy dinh dinh dưỡng và trẻ em béo phì. Hiện có 250 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước có thu nhập trung bình được đánh giá là kém phát triển do bị suy dinh dưỡng và chịu ảnh hưởng của nghèo đói. Trong khi đó, số lượng trẻ em béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp 11 lần kể từ năm 1975 và hiện đã lên tới 124 triệu trẻ.
Báo cáo cũng liệt kê một loạt con số cụ thể như trẻ em ở một số nước mỗi năm tiếp cận khoảng 30.000 quảng cáo trên ti vi. Thậm chí, có một nghiên cứu còn cho thấy trẻ em tại Australia xem các quảng cáo về rượu bia khoảng 51 triệu lần trong 1 năm khi theo dõi kênh thể thao trên truyền hình. Theo đánh giá của ông Costello, tình hình thực tế có thể còn tồi tệ hơn khi mở rộng xem xét tỷ lệ quảng cáo trên mạng xã hội và các thuật toán nhắm tới nhóm đối tượng là trẻ em.
Qua báo cáo này, các tác giả cũng kêu gọi chính phủ các nước triệt để giảm lượng khí thải carbon theo đúng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như siết chặt các quy định tiếp thị quảng cáo nhằm bảo vệ trẻ em.