Báo cáo trên, do Ủy ban Kinh tế APEC cùng Đơn vị Hỗ trợ chính sách APEC phối hợp soạn thảo, được công bố trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 diễn ra trong tuần này. Báo cáo chỉ ra rằng mức chi tiêu cho các biện pháp kích thích tài chính của các nền kinh tế thành viên APEC nhằm thúc đẩy các sáng kiến xanh hiện tương đối thấp và hầu hết các gói kích thích được chi cho các hoạt động kinh doanh thông thường. Các tác giả báo cáo cũng lập luận rằng phản ứng của các chính phủ trước những cú sốc kinh tế có thể tạo động lực và cung cấp các giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi xanh - yếu tố quan trọng góp phần vào cả tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường. Báo cáo khuyến nghị rằng các nền kinh tế thành viên nên tham gia xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức như lập các cơ chế định giá, tìm hiểu quy trình thực hiện các biện pháp quản lý xanh, cũng như tăng cường hợp tác liên tổ chức trong và giữa các nền kinh tế.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế APEC, ông James Ding, nhận định nếu các nền kinh tế tăng cường tính hiệu quả, tính linh hoạt và khả năng phục hồi thông qua cải cách cơ cấu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn. Ông cho rằng cần khẩn trương giải quyết những thách thức về môi trường song song với đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra vào ngày 18/11, với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên cùng các khách mời đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed bin Salman bin Abdul-Aziz Al-Saud. Với chủ đề “Mở-Kết nối-Cân bằng”, mục đích của hội nghị là thúc đẩy APEC mở cửa với mọi cơ hội, kết nối trên mọi phương diện và cân bằng mọi khía cạnh để phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn.