Theo trang The Guardian (Anh), sáng 28/3, người dân Bắc Kinh đã chứng kiến cảnh tượng cả thành phố bị lớp bụi dày đặc bao phủ, mang theo hàm lượng bụi có chỉ số nguy hiểm cực cao.
Tầm nhìn trong thành phố đã giảm, đỉnh của một số tòa nhà cao chọc trời bị bão cát che khuất. Người đi bộ buộc phải che mắt khi nhiều luồng bụi quét qua đường phố.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo vàng hôm 26/3 khi trận bão cát đang lan từ Mông Cổ vào các tỉnh phía bắc Trung Quốc, bao gồm Nội Mông, Sơn Tây, Liêu Ninh và Hà Bắc. Những tỉnh này đều ở quanh Bắc Kinh.
Theo chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực, khi cơn bão cát ập vào Bắc Kinh vào sáng 28/3, nồng độ ô nhiễm không khí đã vượt quá mức tối đa là 500/microgam/m3. Cụ thể, nồng độ ô nhiễm bụi mịn PM10, có thể xâm nhập vào phổi, ở mức trên 2.000 microgam/m3.
Nồng độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5, các hạt nhỏ hơn có thể xâm nhập vào máu, cũng đạt mức 462 microgam/m3. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nồng độ PM2.5 trung bình hàng ngày ở mức 25 microgam/m3.
Cơn bão cát cũng đã ảnh hưởng lớn đến các sân bay ở Nội Mông. Hơn một nửa số chuyến bay tại các sân bay Baotou và Chifeng đã bị hủy do tầm nhìn kém.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết những trận bão cát gần đây chủ yếu bắt nguồn từ Mông Cổ, nơi nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa giảm vào mùa xuân năm nay.
Ông Zhang Tao, Giám đốc dự báo của Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc cho rằng những yếu tố này là điều kiện lý tưởng khiến bão cát và bụi lan rộng.
Ông Zhang cho biết phía bắc và tây bắc Trung Quốc có ít tuyết và mưa hơn trong năm nay. Từ tháng 2, nhiệt độ đã tăng cao hơn, dẫn đến thời tiết khô, nhiều bụi và gió thổi mạnh hơn bình thường. Trong đó, nhiệt độ trung bình ở Mông Cổ và miền bắc Trung Quốc cao hơn mức bình thường khoảng 6 độ C vào tháng 3.
Miền bắc Trung Quốc từ lâu đã phải hứng chịu nhiều trận bão cát, khi các sa mạc trong khu vực ngày càng lan rộng về phía nam và tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng.
Phá rừng quy mô lớn là một yếu tố gây ra các trận bão bụi ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã tạo một “bức tường xanh khổng lồ” bằng việc trồng cây xanh để ngăn bụi bay vào thủ đô. Thành phố cũng nỗ lực xây dựng các hành lang không khí để thông gió nhằm tạo lối thoát cho không khí ô nhiễm.