Báo chí Argentina viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 5/4, tờ La Gaceta của Argentina đã đăng bài viết của nhà báo nổi tiếng Alina Diaconu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó bà đã tìm thấy sự đồng cảm trong văn học với Bác qua phân tích những bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù”.

Trong bài viết với tiêu đề “Nhà thơ Hồ Chí Minh”, nhà văn Argentina Diaconu đã viết lại cảm tưởng vô cùng xúc động của bà về Bác trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua. Tại đây, bà đã được gặp Hồ Chủ tịch và hiểu rằng tại sao Người không chỉ là một nhà cách mạng, một chiến sĩ cộng sản, Chủ tịch nước Việt Nam, vị cha già dân tộc, mà Người còn là một nhà thơ lớn.


Trong bài viết dài 7 trang, nữ nhà văn cho biết bà đã đọc và nghiên cứu kỹ cuốn Nhật ký trong tù của Nhà xuất bản Thế giới xuất bản bằng ba thứ tiếng: tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha. Cuốn nhật ký hay đúng ra là “cuốn sổ màu xanh”, được Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt khi vừa sang Trung Quốc. Trong 14 tháng bị bắt giữ trái phép, Bác Hồ đã bị giải đi khắp 13 huyện và khoảng 30 nhà lao tỉnh Quảng Tây, phải đi bộ hàng nghìn cây số trong lúc bị xiềng trói, bị đày đọa và hành hạ. Bất chấp khó khăn, Người vẫn luôn nở nụ cười tin tưởng vào cuộc sống, chiến thắng cái ác và sự chết chóc.


Bài báo viết về Bác Hồ đăng trên tờ La Gaceta.


Nữ nhà văn Argentina, gốc Romania, đã trích những bài trong Nhật ký trong tù của Bác như "Mới đến nhà lao Thiên Bảo", "Trên đường đi" và "Nhà ngục Nam Ninh", đều thể hiện ý chí quyết tâm không gì có thể giam cầm của Người.


“Tôi đã nhìn thấy, như thể Người đang ngủ, thanh thản, trong lăng ở Hà Nội, với bộ đồ sáng màu, bộ râu trắng. Tôi đã thăm nơi Người sống, bàn làm việc, giường ngủ, bức chân dung Lenin trong một thư viện nhỏ. Lối sống giản dị là bạn đồng hành của Người trong suốt cuộc đời”, bà Diaconu viết.


Nữ nhà báo nhớ lại: “Tuổi thơ của tôi đã gắn liền với Hồ Chí Minh. Tôi thấy hình Người trong tờ lịch treo trong nhà ở Bucharest. Và vì một lý do bí ẩn, tôi luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ con người có tầm vóc nhỏ bé ấy, là chủ tịch của một đất nước ở Đông Nam Á, mà ở cái tuổi của còn quá nhỏ lúc đó, tôi chẳng biết gì về Người”.


Bà viết tiếp: “Khi bước vào lăng những ký ức về Người đã trỗi dậy trong tôi. Cổ tôi nghẹn lại. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một cơ thể như vậy. Biết bao tranh đấu, biết bao lịch sử đằng sau con người nhỏ bé nhưng vĩ đại, Người đã mất nhưng Người còn sống mãi! Bài thơ cuối cùng của Hồ Chí Minh khi ở trong tù năm đó viết:


Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông.

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xưng phong.”


“Ngày 30/4 tới, Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn, chấm dứt chiến tranh chống Mỹ. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Việt Nam đã vượt qua tất cả các cuộc xung đột Bắc-Nam và đã đánh bại tất cả đội quân xâm lược Pháp, Nhật, Mỹ. Hồ Chí Minh đã thổi vào hồn nhân dân Việt Nam sự khiêm nhường, lòng quả cảm và chủ nghĩa anh hùng. Với tất cả điều này và vì tấm gương của Người, ngày hôm nay Bác Hồ có thể yên nghỉ trong hòa bình”, bà Diaconu viết.


Diaconu, sinh năm 1945 tại Bucharest và tới định cư ở Argentina từ năm 14 tuổi. Bà cũng từng sống ở Pháp và Mỹ. Nhiều tác phẩm văn học của bà đã nhận được các giải thưởng lớn ở Mỹ và Argentina. Bà là cộng tác viên cho nhiều tờ báo lớn ở nước Nam Mỹ như Clarin, La Nacion, La Gazeta và La Prensa.



Diệu Hương (P/v TTXVN tại Argentina)

Báo chí Nga lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế Việt-Nga
Báo chí Nga lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế Việt-Nga

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga D. Medvedev, một trong các tờ báo hàng đầu chuyên về tài chính và kinh tế của Nga có bài viết về triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN