Báo chí Mỹ thuở hồng hoang

Thế kỷ 17, nước Mỹ - khi đó còn là thuộc địa của Anh - không ưa báo chí và có quan điểm “thà không có báo còn hơn là phải chịu đựng sự phiền toái của nó”. Năm 1671, Thống đốc bang Virginia, William Berkeley, viết: “Cảm ơn Chúa vì chúng ta không có trường học miễn phí và cũng không có báo chí. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không có cả hai trong 100 năm nữa, vì học hành chỉ đẻ ra cho thế giới sự chống đối, quan điểm dị biệt và giáo phái, còn báo chí làm lộ ra những điều đó...”. Chính phủ Anh từng nói với các thống đốc bang Massachusetts rằng “tự do báo chí có thể làm nảy sinh những điều bất tiện to lớn”.


 

Benjamin Franklin.

 

Mãi đến năm 1690, bản tin đầu tiên của nước Mỹ thời thuộc địa mới ra đời, mang tên Boston's Publick Occurrences Both Forreign and Domestick (Tin tức về những sự kiện chung ở trong và ngoài nước của thành phố Boston) do Benjamin Harris xuất bản. Một lần, chính quyền tức giận khi Harris dám đưa tin không hay về lực lượng quân đội Anh và tờ báo của ông đóng cửa chỉ 4 ngày sau đó.


Năm 1704, một nhà báo người Boston khác tên là John Campbell, từng là một giám đốc sở bưu điện, đã cho ra đời tờ báo thứ hai của nước Mỹ: The Boston News - Letter (Bản tin Boston). Đó là một ấn phẩm khiến các nhà cầm quyền căm ghét. Nhờ sự hỗ trợ của viễn thông và thương mại, tờ báo này tồn tại được tới 72 năm và gặt hái nhiều thành công.


Đến thế kỷ 18, hàng loạt tờ báo khổ nhỏ và khổ rộng đã ra đời đáp ứng nhu cầu thông tin của người Mỹ vốn khát tin tức về cuộc chiến giành độc lập của Mỹ và về nước Mỹ vừa ra đời.


Tờ báo đầu tiên của nước Mỹ thuộc địa.

 

Các tổng biên tập thời kỳ này thường lấp trang báo của họ bằng những tin, bài “nhấc” từ báo bạn theo cơ chế “trao đổi” - một cơ chế còn tồn tại đến bây giờ. Tin tức ở châu Âu đăng trên báo Mỹ thường được lấy từ các tờ báo chuyển đến các cảng như New York, Philadelphia và Charleston.


Về mục tiêu của báo chí, Julie K. Williams, trợ giáo lịch sử trường Đại học Samford ở bang Alabama, cho biết: Các báo thường đặt ra những ý tưởng vĩ đại như cải thiện thông tin liên lạc và định hướng cho công chúng nhưng mục đích chính của họ chỉ là lợi nhuận. Hay nói cách khác là “làm tiền” theo lời một giáo sư báo chí Đại học Maryland.


Lợi nhuận chủ yếu từ quảng cáo và lượng phát hành. Kiếm tiền vẫn là mục đích tồn tại của các tờ báo và đó là một trong những điểm chung giữa báo chí thế kỷ 18 và thế kỷ 21.


Báo chí Mỹ thời đó và bây giờ vẫn thể hiện quan điểm riêng của từng tờ, dù thực tế là các báo phải đưa tin cả hai mặt của một vấn đề. Trong thế kỷ 18, báo chí thường viết về các sự kiện và về cơ bản, báo chí ngày nay vẫn gắn liền với điều này. Báo chí thế kỷ 18 còn “truyền lại” cho báo chí hiện đại quyền bình luận về các sự kiện chính trị dưới dạng bài xã luận.


Về hình thức, phần lớn báo chí nước Mỹ thời thuộc địa là tuần báo, có 4 trang và quảng cáo phần lớn được in ở mặt sau. Do “đất đai” hạn chế, các báo thường rất ít ảnh minh họa và đăng nhiều tin ngắn gọn.


Các tờ báo thường được chính phủ cấp phép hoạt động nhưng chúng có thể bị tước giấy phép trong nháy mắt, thậm chí người đứng đầu còn bị bỏ tù. Trường hợp đó xảy ra với James Franklin, Tổng biên tập tờ New - England Courant và là anh trai của nhà báo lẫy lừng thời đó là Benjamin Franklin. Cũng giống chủ bút tờ Publick Occurrences ở Boston, James Franklin chĩa ngòi bút vào chính quyền. Một trong số những tin đăng trên báo New - England Courant công kích Hạ viện. Hậu quả là James Franklin bị bắt và tống giam 1 tháng. Trong thời gian đó, Benjamin thay anh quản lý tờ báo.


Khi được tự do, James bị chính quyền cấm quản lý tờ New - England Courant. Hai anh em “đi đường vòng” để tránh lệnh cấm bằng cách để tên Benjamin vào vị trí tổng biên tập.


Giữa thế kỷ 18, báo chí bắt đầu thay đổi quan điểm và ngày càng thẳng thắn hơn. Năm 1754, trong cuộc chiến tranh Pháp và người Da đỏ (French and Indian War), Benjamin Franklin đã cho ra đời bức biếm họa đầu tiên của làng báo Mỹ - một bức tranh có hình một con rắn bị chặt thành nhiều khúc, mỗi khúc minh họa cho một thuộc địa, có dòng chú thích là “Gia nhập hay là chết”.


Benjamin trở thành một tổng biên tập và một nhà xuất bản giàu có. Ông liên kết các nhà in và bưu điện. Các tờ báo thành lập dưới sự bảo hộ của Benjamin đều ăn nên làm ra. Tuy nhiên, báo chí thuộc địa Mỹ đã trở thành cái gai lớn đối với người Anh.


Sau năm 1765, mục đích của báo chí đã thay đổi theo hướng chính trị và bút chiến. Trong cuộc chiến giành độc lập của Mỹ, mục tiêu chính của báo chí là ủng hộ sự nghiệp của nước Mỹ, thay vì chỉ đưa tin về các sự kiện diễn ra trên thế giới.


Báo ngày bắt đầu xuất hiện trong những năm 1780. Đến năm 1790, Mỹ có khoảng 100 tờ báo, trong đó có một số tờ là kẻ thù của những nhân vật “tai to mặt lớn”. Đó là thời báo chí tự do phát triển mạnh mẽ. Các đảng như Liên bang hay Cộng hòa đều có tờ báo riêng của mình.


Nhiều tờ báo trong những năm 1790 có xu hướng theo một đảng phái chính trị nào đó, như tờ Gazette of the United States theo đảng Liên bang của ông Alexander Hamilton, đối lập với tờ National Gazette theo đảng Cộng hòa của Thomas Jefferson. Các tờ báo thường công khai viết bài ủng hộ đảng mình và công kích đảng đối lập.


Đó là kỷ nguyên mà báo chí phát triển mạnh mẽ. Năm 1787, Tổng thống Thomas Jefferson từng viết: “Nếu tôi phải quyết định chọn một chính phủ không có báo chí hoặc báo chí không có chính phủ, tôi sẽ không ngần ngại một giây để chọn cái thứ hai”. Chính trị gia Samuel Adams năm 17 nhận định: “Không có gì khó chịu và phiền phức, không có gì kinh khủng với những kẻ bạo chúa bằng báo chí tự do”.


Có thể nói chính tự do báo chí đã góp phần tạo nên nước Mỹ. Mitchell Stephens, giáo sư báo chí trường Đại học New York, từng nói: “Thật khó hình dung nước Mỹ sẽ đi đến đâu nếu không có báo chí tự do”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN