Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, chiều 6/9, Tổng thống Cộng hoà Pháp Francois Hollande đi bộ tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Nhật báo "Le Monde" (Thế giới) có bài viết của đặc phái viên Cédric Pietralunga cho biết nhiều hợp đồng kinh tế quan trọng đã được ký kết trong chuyến thăm.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Pháp kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2004. Ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, ngày 6/9, Tổng thống Hollande cùng với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ ký hai hợp đồng quan trọng và thỏa thuận ghi nhớ giữa nhà sản xuất máy bay Airbus và nhiều hãng hàng không của Việt Nam.
Cụ thể, công ty JetStar Pacific, hãng hàng không giá rẻ thuộc hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cùng với hãng hàng không Quatas của Australia đã ký hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 với giá trị lên đến 1 tỷ USD.
Tương tự, hãng hàng không Vietjet Air đã ký hợp đồng mua 20 máy bay Airbus A321 với các phiên bản khác nhau. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, khách hàng quen thuộc của Airbus, đã ký Ý định thư mua 10 máy bay Airbus A350. Nếu thỏa thuận này được thực hiện, giá trị đơn hàng có thể lên đến hơn 3 tỷ USD. Theo ông Fabrice Brégier, Tổng Giám đốc tập đoàn Airbus, tổng giá trị các hợp đồng và thỏa thuận lên đến 6,5 tỷ USD.
Bài báo cũng cho biết nhiều bản ghi nhớ đã được ký kết nhân dịp này, trong đó có Bản ghi nhớ giữa tập đoàn Vinci Concessions và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa Trung tâm Quốc gia nghiên cứu không gian của Pháp (CNES) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ của Việt Nam.
Theo bài báo, với tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2015, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á. Từ năm 1990, Tổng sản phẩm quốc nội bình quân tính theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp ba lần.
Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam lần đầu tiên đã vượt mốc 1,4 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 85,3 % so với 764 triệu trong năm trước đó. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại của Pháp vẫn khá cao với giá trị lên đến 2,7 tỷ euro trong năm 2015, chủ yếu là do Pháp mua điện thoại và sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Cùng quan điểm với tờ "Le Monde", tờ "Le Point" nhấn mạnh rằng mục đích của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, nơi tăng trưởng đặc biệt cao, cũng như tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa và Pháp ngữ.
Trong khi đó, dưới tiêu đề "Tổng thống Hollande dừng chân ở Việt Nam - đất nước tự cường, mạnh mẽ", tờ "Les Echos" (Tiếng vang) khẳng định Hà Nội đã trở thành một điểm đến ưa thích cho các nhà đầu tư quốc tế, do đó đây là điểm dừng chân được Tổng thống Pháp lựa chọn sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Theo bài báo, tối 5/9, Tổng thống Hollande đã bắt đầu chuyến thăm 48 giờ tại Việt Nam - một đất nước năng động với 90 triệu người. Việt Nam cũng nằm trong khu vực duy nhất nơi nhiều quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh đồng thời với Trung Quốc và Mỹ, đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn.
Bài báo cũng cho biết Việt Nam đã trở thành một trung tâm xuất khẩu lớn của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may và điện tử. Cứ 3 chiếc điện thoại thông minh Samsung Galaxy được sản xuất trên thế giới thì hơn một chiếc có xuất xứ từ Việt Nam. Theo bài báo, gần 300 công ty của Pháp đã triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch, vận tải, cơ sở hạ tầng, phân phối bán lẻ và y tế.
Pháp là quốc gia đứng thứ 17 trong số các nhà cung cấp hàng hóa cho Việt Nam và hàng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm chưa đến 1% thị phần tại Pháp.