Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều báo Pháp số ra ngày 30/4 đã có bài viết, phỏng vấn với các hình ảnh tư liệu về ngày 30/4/1975 khi Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở Việt Nam.Báo Le Figaro đăng bản đồ các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. |
Báo Le Figaro đã đăng lại toàn bộ bài viết ngày 2/5/1975 của phóng viên Jean d’Ormesson đưa tin thời khắc Sài Gòn được giải phóng, cùng những phân tích về các xung đột kế tiếp nhau tại khu vực Đông Nam Á trong 30 năm qua cũng như những bài học cần rút ra cho phương Tây và nước Mỹ sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong phần tin video, tờ báo cũng đã đăng phỏng vấn nhà báo Pháp François Ponchelet, phóng viên chiến trường khi đó làm việc cho kênh Europe 1, nhân chứng có mặt tại thành phố Sài Gòn vào thời điểm sáng ngày 30/4/1975. Nhà báo François Ponchelet cho biết ông vẫn còn lưu giữ kỷ niệm sâu sắc về ngày 30/4/1975 khi may mắn được chứng kiến giây phút chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Nhà báo Pháp François Ponchelet (người cầm micro) phỏng vấn chớp nhoáng tướng Dương Văn Minh tại Dinh Độc lập trước lễ bàn giao chính quyền. |
Ông kể: "Sáng ngày 30/4, bộ đội bắt đầu tiến vào Sài Gòn. Khi đó, tôi thuê một chiếc xe taxi yêu cầu chở đến những địa điểm chiến lược ở Sài Gòn. Người lái xe chở tôi đi một vòng quanh thành phố, sau đó đưa tôi đến trước cửa Dinh Độc Lập. Từ bên ngoài nhìn vào, mọi thứ có vẻ yên ắng. Tôi nói với người lái xe: "Không có gì cả, hãy đưa tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất". Nhưng người lái xe không đồng ý. Anh bảo tôi: "Đừng đi đâu cả, hãy ở lại đây". Tôi xuống xe và đi vào bên trong tòa nhà. Tại đây, tôi đã gặp tướng Dương Văn Minh. Tôi tranh thủ phỏng vấn chớp nhoáng vị tướng và cũng là Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn:
- Thưa Đại tướng, tại sao ông lại đưa ra giải pháp này?
- Bởi vì nó có thể cứu nhiều số phận người Việt Nam và người nước ngoài có mặt ngày hôm nay tại Sài Gòn.
- Ông có nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận các đề nghị của ông ?
- Tôi làm điều tôi có thể.
- Kịch bản sẽ diễn ra như thế nào ? Ông sẽ bàn giao toàn bộ chính quyền cho phía bên kia ?
- Đúng vậy.
Báo Le Figaro đăng lại trang nhất báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1/5/1975. |
Sau đó, khi đi ra ngoài, nhà báo François Ponchelet đã nhìn thấy nhiều xe tăng tiến vào Dinh Độc lập. "Họ bắn nhiều loạt súng máy lên không trung. Đó là những loạt súng mừng chiến thắng". Ông cũng cho biết, khi trở về Paris, kênh truyền hình Europe 1 nơi ông làm việc đã dành một ngày trọn vẹn để đưa tin về Việt Nam với toàn bộ các tư liệu ông lưu giữ trong chiếc máy thu phát sóng Nagra nặng 12 kg mà ông luôn giữ kè kè bên mình trong những ngày được làm nhân chứng lịch sử tại Sài Gòn.
Cũng trong ngày 30/4, báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp đã ra số đặc biệt "30/4/1975, Việt Nam tự do" và hình ảnh căng tràn trang nhất cho thấy xe tăng quân giải phóng đang tiến vào Dinh Độc lập. Chuyên mục gồm nhiều bài báo trong đó có bài tường thuật từ Quảng trường Thống Nhất - thành phố Hồ Chí Minh của đặc phái viên Lina Sankari về lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với lễ mít tinh, diễu binh và diễu hành trọng thể. Bài báo cũng phản ánh bầu không khí tưng bừng, phấn khởi, rực rỡ cờ hoa của ngày lễ trọng đại của dân tộc.
Báo Nhân đạo (L'Humanité) ra số đặc biệt "30/4/1975, Việt Nam tự do). |
Nhà sử học Alain Ruscio thì có bài viết ngợi ca các cuộc kháng chiến kiên cường dũng cảm của nhân dân Việt Nam đồng thời lên án hai cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp và Mỹ tại Việt Nam trong nửa sau của thế kỷ XX.
Tổng biên tập Patrick Apel-Muller có bài xã luận với tiêu đề: "V như là Việt Nam và Chiến thắng (Victoire)". Bài báo viết: "Nước Mỹ đã phải quỳ gối trước một dân tộc mà họ đã cố nhấn chìm bằng các đợt ném bom rải thảm, bằng bom napalm và bằng chất độc da cam. Thất bại đó đã được thu vào ống kính của các nhà báo và truyền đi khắp thế giới. Thất bại đó cũng đã mở ra kỷ nguyên mới cho các dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế nghĩa trên toàn thế giới."
Bài báo kết luận: "Chiến thắng 30/4/1975 không có nghĩa là mọi khó khăn đã kết thúc. Ngay sau chiến thắng, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với lệnh cấm vận phi lý, phải khẩn trương xây dựng lại đất nước, băng bó các vết thương chiến tranh và kiến tạo tương lai. Việt Nam đã từng bước tiến lên, đôi lúc chững lại những vẫn luôn tiến về phía trước. Chúng ta tiếp tục tin tưởng vào tương lai của Việt Nam".
Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)