Tối 30/5, phóng viên Omar Jimenez của kênh CNN đã bị bắt ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi đưa tin về cái chết của George Floyd tại Minneapolis. Cùng ngày, phóng viên hãng thông tấn Reuters (Anh) Julio-Cesar Chavez cùng cố vấn an ninh của hãng là Rodney Seward đã bị trúng đạn cao su tại Minneapolis.
Đến ngày 31/5, phóng viên Kaitlin Rust tại đài WAVE News của bang Kentucky đã phải hét lên trên sóng truyền hình khi cô và đồng nghiệp trúng đạn hơi cay của cảnh sát. Sau đó, cảnh sát Louisville tại Kentucky đã lên tiếng xin lỗi.
Phóng viên của VICENews Michael Anthony Adams còn la lớn “tôi là nhà báo” khi một cảnh sát tiến đến gần mình. Viên cảnh sát đáp lại: “Tôi không quan tâm”. Sau đó, Michael Anthony Adams bị xịt hơi cay và nằm trên mặt đất.
Tại Minneapolis, một phóng viên tự do có tên Linda Tirado đã bị trúng đạn cao su vào mắt trái khi đưa tin về biểu tình. Linda Tirado sau đó cho biết cô đã mất hoàn toàn thị lực mắt trái.
Ông Bruce Brown, Giám đốc Ủy ban Phóng viên vì Tự do Báo chí trong Đại hội Quốc gia đảng Dân chủ tại Chicago đã nhận định: “Việc phóng viên đưa tin về các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ trở thành mục tiêu của lực lượng hành pháp trong 2 tối qua thực sự là điều đáng khiến trách và là vi phạm Tu chính án thứ nhất”.
Trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, tự do ngôn luận và tự do báo chí là những nội dung được nhấn mạnh.
Từ năm 2017 tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần coi truyền thông là “kẻ thù của người dân”. Ngày 31/5, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter: “Các phương tiện truyền thông lỗi thời đang ra sức xúi giục lòng thù ghét và hỗn loạn”.
Ông Bruce Brown nhận định: “Tổng thống Trump không phải là người duy nhất nhưng nếu ông ấy ngừng tấn công báo chí thì điều đó sẽ giúp ích nhiều hơn”.
Không chỉ có cảnh sát, mà người biểu tình cũng nhằm vào báo giới. Ngày 29/5, người biểu tình đã tấn công phóng viên hãng Fox News là Leland Vittert và đồng nghiệp gần Nhà Trắng. Tại Atlanta, người biểu tình đã đập phá trụ sở kênh CNN vào ngày 29/5.
Thống đốc Minnesota đã xin lỗi về vụ bắt giữ phóng viên kênh CNN. Tuy nhiên, những cảnh sát liên quan chưa hề bị xử phạt.
Trong khi đó, cả Fox News và CNN đều chỉ trích hành vi bạo lực nhắm đến các phóng viên và người làm việc trong ngành truyền thông.
Tờ Guardian (Anh) cho biết trong ngày 29 và 30/5, đã ghi nhận hơn 50 vụ việc tấn công và quấy rối người làm việc trong ngành truyền thông tại Mỹ.
Năm 2019, tổ chức phi chính phủ Phóng viên không Biên giới xếp Mỹ đứng thứ 48 trên thế giới về chỉ số tự do báo chí, giảm 3 bậc so với năm trước đó do tình trạng bạo lực nhằm vào các nhà báo tại nước này.
Ngày 30/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng bảo vệ báo chí. Ông đăng trên mạng xã hội Twitter: "Khi các nhà báo bị tấn công, chính xã hội cũng bị tấn công. Không có nền dân chủ nào có thể hoạt động thiếu tự do báo chí và xã hội cũng không còn công bằng nếu thiếu đi các nhà báo điều tra những sai trái để nói lên sự thật".