Theo các chuyên gia, song song với tiến bộ khoa học kỹ thuật, Pháp phải đối mặt với hàng loạt tội phạm sử dụng Internet cho những mục đích khủng bố, truyền bá thông tin sai lệch trên quy mô lớn, gián điệp chính trị hoặc kinh tế, tấn công vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng như vận tải, năng lượng, thông tin liên lạc... Ở tầm thấp hơn, cơ sở dữ liệu của các công ty từ nhỏ đến lớn đều trở thành mục tiêu của tin tặc, gây ra những hậu quả lớn như chiếm dụng tiền, trộm danh tính, tống tiền, làm rối loạn tổ chức và làm hỏng hình ảnh của các công ty.
Ngay từ tháng 7/2009, Pháp đã thành lập Cơ quan Quốc gia về an ninh thông tin (ANSSI) và công bố Chiến lược về bảo mật hệ thống thông tin. Để đảm bảo sự an toàn của quốc gia và các doanh nghiệp trong không gian mạng, Chiến lược đưa ra 4 mục tiêu.
Thứ nhất, Pháp phải trở thành một cường quốc về phòng thủ không gian mạng, qua đó chủ động hợp tác quốc tế tại mọi cấp độ và luôn sẵn sàng thực hiện các kế hoạch thống nhất khi đối mặt với những mối đe dọa chung.
Thứ hai, phải bảo đảm quyền tự do quyết định của Pháp thông qua việc bảo vệ các thông tin liên quan đến chủ quyền. Theo đó, các cơ quan chính phủ và các đơn vị quản lý khủng hoảng được trang bị phương tiện liên lạc an toàn và thông suốt trong mọi tình huống. Mạng lưới tin học phục vụ cho nhu cầu này được mở rộng khắp lãnh thổ với mức độ bảo mật cao nhất.
Thứ ba, phải tăng cường an ninh mạng cho cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng. Trong xã hội ngày càng phụ thuộc vào Internet, bất kỳ cuộc tấn công thành công nào vào một hệ thống thông tin quan trọng đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về con người hoặc kinh tế. Điều quan trọng là Nhà nước phải liên lạc chặt chẽ với các nhà sản xuất và vận hành các thiết bị liên quan, nhằm liên tục cải thiện các biện pháp an ninh của các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thứ tư, phải đảm bảo sự an toàn của hệ thống dữ liệu của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Để đạt được những mục tiêu này, bảy kế hoạch hành động đã được đề ra, bao gồm nâng cao khả năng dự đoán và phân tích để đưa ra quyết định đúng đắn; sớm phát hiện các cuộc tấn công, cảnh báo và hỗ trợ những chủ thể có khả năng trở thành nạn nhân; phát triển khoa học - công nghệ và nhân lực nhằm đảm bảo sự tự chủ trong giải quyết khủng hoảng; bảo vệ hệ thống thông tin và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhà nước nhằm nhanh chóng khắc phục sự cố nếu xảy ra; điều chỉnh luật pháp theo sát với sự phát triển công nghệ và các ứng dụng mới, tăng cường hỗ trợ pháp lý quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo mật hệ thống thông tin và phòng thủ không gian mạng; nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan đến an ninh thông tin.
Bên cạnh ANSSI, Pháp cũng tăng cường an ninh không gian mạng quân sự. Bộ Quốc phòng đã thành lập đầu năm 2017 Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian mạng (COMCYBER), có nhiệm vụ kép là bảo vệ các mạng lưới thông tin nền tảng của quân đội và đưa kỹ thuật số thành trung tâm của các hoạt động quân sự. Bản đánh giá chiến lược quốc phòng, được thực hiện đầu năm 2018, đã xác định một học thuyết quản lý khủng hoảng mạng, trong đó làm rõ các mục tiêu của Chiến lược phòng thủ không gian mạng quốc gia và xác nhận trách nhiệm chính của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly, số quân nhân Pháp hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ tăng từ 3.000 đến 4.000 người từ nay đến năm 2025. Bộ Nội vụ cũng cho biết trong số 10.000 cảnh sát và hiến binh được tuyển dụng vào năm 2022, sẽ có 800 nhân viên chuyên về an ninh mạng.
Trước đó, Chiến lược quốc gia về an ninh kỹ thuật số của Pháp đã được triển khai từ năm 2015. Được thiết kế để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, Chiến lược này đáp ứng những thách thức mới nảy sinh từ sự phát triển ứng dụng kỹ thuật số và các mối đe dọa liên quan. Mục tiêu nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia, chống các hành vi gây hận thù trên mạng, biến an ninh kỹ thuật số trở thành một lợi thế cạnh tranh của các công ty Pháp...
Tăng cường ổn định chiến lược và an ninh quốc tế trong không gian mạng là một trong những mục tiêu ưu tiên hiện nay của Pháp. Tại Liên minh châu Âu (EU), Pháp đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng xung quanh khái niệm "tự chủ chiến lược kỹ thuật số của EU". Theo đó, chính sách công nghiệp của EU sẽ hỗ trợ các khả năng nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến về bảo mật kỹ thuật số, điều sẽ mang lại cho EU một lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của EU phải xác định các quy định có tính đến các yêu cầu về năng lực cạnh tranh và tiềm năng của công nghệ số, trong khi vẫn bảo vệ công dân, doanh nghiệp và các quốc gia thành viên, theo các giá trị chung của liên minh gồm bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng. EU sẽ phải đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng phòng thủ không gian mạng tại các quốc gia thành viên cũng như trong nội bộ các tổ chức châu Âu.
“Lời kêu gọi Paris vì sự tin tưởng và an ninh mạng” là minh chứng cho vai trò tích cực của Pháp trong việc thúc đẩy một không gian mạng an toàn, ổn định và cởi mở. Được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra tháng 11/2018 tại Diễn đàn quản trị Internet, “Lời kêu gọi Paris” đã chứng tỏ khả năng của Pháp trong việc huy động đông đảo sự ủng hộ đối với các nguyên tắc trong không gian mạng. “Lời kêu gọi Paris” nhấn mạnh sự cần thiết của tiếp cận đa phương trong soạn thảo các tiêu chuẩn quốc tế, cho phép tận dụng một cách đáng tin cậy và an toàn các cơ hội do cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại. Cùng với các đối tác công và tư, Pháp dự định nêu rõ vai trò và trách nhiệm cụ thể của các chủ thể tư nhân trong việc tăng cường ổn định và an ninh quốc tế của không gian mạng.
Sự có mặt của Pháp tại các diễn đàn quốc tế khác nhau về an ninh mạng cho thấy vị trí tiên phong của nước này. Tại Liên hợp quốc, nơi các quy tắc về hành vi có trách nhiệm trong không gian mạng được thảo luận, Pháp đã tham gia vào 5 nhóm chuyên gia chính phủ có nhiệm vụ gắn kết không gian mạng trong hệ thống. Trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp đã dẫn đầu việc thông qua Cam kết không gian mạng tại Hội nghị thượng đỉnh Vácsava tháng 6/2016. Tháng 5/2018, Pháp đã tổ chức hội nghị đầu tiên về cam kết này, công nhận không gian mạng là một lĩnh vực hoạt động của NATO, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống trên bộ, trên không và trên biển.
Tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nơi được coi là chuẩn mực khu vực về định nghĩa và thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin trong không gian mạng, Pháp tiếp tục thúc đẩy một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho việc vận hành các biện pháp này, nhằm tăng cường minh bạch, hợp tác và tin tưởng giữa các quốc gia thành viên của tổ chức.