Nhân viên cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy rừng tại Cabanoes, Bồ Đào Nha ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo, tốc độ hủy diệt rừng trong năm 2016 đã gia tăng tới mức báo động, cao hơn 51% so với năm 2015, với 29,7 triệu hécta rừng bị thiêu rụi (theo số liệu của Đại học Maryland). Tổ chức "Giám sát rừng toàn cầu" cho rằng nguyên nhân một phần là do tình trạng biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao và gây hạn hán ở một số nơi, và điều này đã làm tăng nguy cơ cũng như tính khốc liệt của các vụ cháy rừng.
Báo cáo cho biết hiện tượng thời tiết El Nino đạt kỷ lục giai đoạn 2015-2016 cũng góp phần tạo nên tình trạng khô cạn ở nhiều vùng nhiệt đới, nơi được cho không dễ bị bắt cháy. Tuy nhiên sự quản lý yếu kém và hiện tượng El Nino nghiêm trọng đã làm gia tăng mức độ tổn thương ở khu vực này.
Ngoài ra, các vụ cháy rừng khủng khiếp ở Brazil và Indonesia cũng là nguyên nhân khiến diện tích rừng che phủ toàn cầu bị giảm trong năm 2016. Khu vực rừng Amazon của Brazil đã mất 3,64 triệu hécta, cao hơn gấp 3 lần so với năm 2015. Tại châu Âu, 4% diện tích rừng của Bồ Đào Nha bị thiêu rụi - mức cao nhất so với bất kỳ nước nào khác trong châu lục.
Gần một nửa diện tích rừng bị thiêu rụi ở Liên minh châu Âu (EU) xảy ra ở Bồ Đào Nha, nơi được dự báo sẽ phá kỷ lục về diện tích rừng bị thiêu rụi trong năm 2017 khi các vụ cháy rừng dữ dội mới đây đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Đầu năm 2016 đã chứng kiến một trong vụ cháy rừng lớn nhất xảy ra ở khu vực Trung Phi, phá hủy 14.800 hécta rừng ở Cộng hòa Congo; vụ cháy rừng ở Fort McMurray, Canada cũng đã thiêu trụi hơn 600.000 hécta rừng, gây thiệt hại 8,8 tỷ USD.
Theo báo cáo, hoạt động phá rừng để phục vụ nông nghiệp, khai thác gỗ, khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân khiến diện tích rừng giảm. Báo cáo kêu gọi các nước nâng cao trình độ quản lý rừng và kiểm soát cháy rừng, như lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm, cấm đốt lửa trong rừng vào mùa khô và đầu tư nhiều hơn vào bảo vệ và trồng rừng.