Báo động nạn con cái bạo hành cha mẹ trong mùa dịch COVID-19 tại Anh

Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến những đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên cảm thấy áp lực khi phải ở nhà. Trong thời điểm này, một loại bạo hành gia đình mới đã gia tăng tại Anh, đó là nạn con cái bạo hành cha mẹ.

Chú thích ảnh
Caroline đã trốn trong phòng ngủ của mình sau khi biết rằng con gái có ý định bạo hành cô. Ảnh: Shutterstock

Lẩn trốn trong phòng ngủ, tim của Caroline Straw vẫn đập thình thịch. Cô đã phải kéo chiếc tủ chắn ngang cửa để ngăn Daisy, cô con gái 15 tuổi, xông vào.

Daisy là một thiếu nữ hoạt ngôn, thích làm bánh, yêu nghệ thuật và được hưởng nền giáo dục tốt. Tuy nhiên, cô bé đã có tiền sử 2 năm lạm dụng bạo lực với mẹ mình. Tâm trí của Caroline rối bời vì mâu thuẫn giữa tình yêu con và việc phải bảo vệ chính mình.

“Con tôi là một đứa bé đáng yêu, nhưng dường như có một thứ gì đó có thể biến nó trở thành một con người khác. Tôi đã nhiều đêm không ngủ được đến nỗi hai mắt thâm quầng, cơ thể có nhiều vết cắn, bầm tím do Daisy gây ra. Thật kinh khủng và đau lòng”, người mẹ 37 tuổi chia sẻ.   

Đáng kinh ngạc hơn, vấn nạn con cái bạo hành cha mẹ (CPA) mà cô Caroline gặp phải hiện khá phổ biến ở Anh. Theo số liệu của cảnh sát, các vụ con trai bạo hành cha mẹ đã tăng lên 30% kể từ năm 2010 đến năm 2019, với 5.294 vụ. Trong khi đó, con gái bạo hành cha mẹ đã tăng lên gấp đôi, với 1.598 vụ.

Theo trang Daily Mail (Anh), khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các trường trung học tại Anh phải đóng cửa cho đến tháng 9, điều này khiến những đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên cảm thấy áp lực và căng thẳng khi bị giam trong nhà. Luật sư Vera Baird, đại diện của các nạn nhân bị con cái bạo hành tại Anh và xứ Wales, đang cảnh báo về sự gia tăng của loại bạo hành gia đình mới này.

Michelle John, Giám đốc PEGS, một tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị con cái bạo hành cho biết hàng ngày họ nhận được rất nhiều email kêu cứu từ các bậc cha mẹ.

“Nhiều người sợ hãi tìm kiếm sự giúp đỡ trong trường hợp họ có thể mất con cái, công việc và cả danh tiếng của mình. Trong trường hợp này, chính quyền không thể làm gì và rất nhiều người cho rằng nuôi dạy con cái hư hỏng là điều đáng trách”, Michelle nói.

Chú thích ảnh
Áp lực khi phải ở nhà trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19 đã khiến nhiều đứa trẻ hung hăng hơn. Ảnh: Getty

Caroline, người mẹ tiều tụy sống tại vùng trung du nước Anh chia sẻ cô chia tay với bố của Daisy khi con mình 4 tuổi. Sau đó, cô có một người con trai 8 tuổi với một người đàn ông khác.

“Nếu tôi bị bạn trai của mình lạm dụng thì mọi chuyện sẽ khác. Con cái bạo hành cha mẹ thật khủng khiếp, nhưng thật khó để nói ra điều đó. Tôi cảm thấy như mình đang phản bội con gái khi nói ra điều đó vào lúc này”,

Cô nhớ lại việc thay đổi cách hành xử của con mình khi cô bé 13 tuổi. Daisy bắt đầu có những lời nói vượt quá giới hạn như chửi thề. Ban đầu, Caroline cho rằng thái độ hung hăng của con là hành vi điển hình của thanh thiếu niên nổi loạn. Nhưng cô bé còn sử dụng bạo lực như đánh và đấm vào đầu mẹ, khi bị cấm không cho dùng điện thoại. Năm 14 tuổi, Daisy bắt đầu dùng dao và xoong để tấn công mẹ.

“Con bé ném bất cứ thứ gì có thể. Thỉnh thoảng Daisy hét lên rằng con bé ghét tôi. Tôi luôn phải cảnh giác cao độ”, người mẹ nói. Caroline đã đưa con mình đến Trung tâm Sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng Daisy từ chối hợp tác.

Các chuyên gia tin rằng nạn con cái bạo hành cha mẹ phổ biến hơn ở những đứa trẻ đã trải qua chấn thương sớm. Caroline nghi ngờ hành vi bạo lực của con gái cô bắt nguồn từ việc chứng kiến chồng cũ đánh cô suốt nhiều năm.

Trong một buổi gặp gỡ với các tổ chức xã hội vào tháng 7 năm ngoái, Daisy đã bình tĩnh tuyên bố rằng cô đã nghiên cứu cách giết mẹ mình “trong vài giây bằng cách sử dụng các vật dụng gây nghẹt thở”. Caroline sợ hãi kể lại rằng con bé nói đó sẽ là một trò vui. Người mẹ vẫn bị đe dọa nhiều lần, đến nỗi tuyệt vọng và cuối cùng đã phải để cảnh sát bắt Daisy. Cô bé được đưa đến khu dành cho thanh thiếu niên vào mùa hè năm ngoái. Trước dịch, Caroline tới thăm con mỗi tuần một lần và trò chuyện với Daisy hàng ngày.

Chú thích ảnh
Nạn con cái bạo hành cha mẹ đang gia tăng tại Anh. Ảnh: Shutterstock

Không chỉ Caroline, rất nhiều bà mẹ khác cũng đang bị con cái ngược đãi và họ phải tiếp tục chịu đựng trong im lặng. Miranda Rogers, có con trai Tristan, 16 tuổi, đã bạo hành cô từ khi cậu bé 9 tuổi. Người mẹ rất lo lắng việc mọi người đánh giá mình hoặc cô có thể mất con.

Miranda dường như có một cuộc sống hoàn hảo, với một người chồng yêu thương cô tại một ngôi làng miền Tây nước Anh. Từng là phó giám đốc của một viện dưỡng lão, cô đã bỏ công việc của mình để chăm sóc 5 đứa con. Lần đầu tiên cô nhận thấy đứa con thứ hai Tristan thay đổi hành vi sau khi cô con gái duy nhất chào đời cách đây 9 năm.

Một lần thấy Tristan đánh em trai 5 tuổi, cô đã can thiệp thì bị con đấm vào miệng. Sự hung hăng của Tristan bộc phát khi cậu bé bước vào tuổi thiếu niên, từ những việc rất nhỏ như mẹ từ chối cho tiền đi chơi với bạn. “Thằng bé đẩy tôi rất mạnh. Tôi bị hất xuống sàn", Miranda hoàn toàn bị con trai cao 1,8 m lấn át.

Điều đáng ngạc nhiên là cậu bé đối xử tốt với mọi người xung quanh. Ở trường học xuất sắc các môn toán và lịch sử. Sau khi đánh mẹ, Tristan thường xin lỗi và nói “mẹ hãy ghét con đi”. Chồng Miranda rất bức xúc với việc làm của con trai và trách vợ không nghiêm khắc với con.

Cô Catherine Slater, 32 tuổi, sống tại Staffordshire cũng gặp phải mâu thuẫn tương tự đối với con trai Richard, 10 tuổi của mình. Cậu bé trở nên hung dữ sau khi được bố mẹ mua cho một thiết bị chơi game Xbox. Khi bị mẹ ngăn cản không nên chìm đắm vào các trò chơi điện tử, cậu bé đã cãi lại mẹ. Đỉnh điểm, dịp Giáng sinh năm ngoái, Richard đã đấm vào mặt mẹ mình 3 lần.

“Thằng bé đấm tôi rất mạnh, đến mức tôi nghĩ mũi mình bị gãy. Máu mũi chảy khắp nơi. Thằng bé không xin lỗi và nói vì mẹ đã làm nó giận. Cô đã giải thích với bạn bè và gia đình một bên mắt thâm đen là do bị ngã. Tôi quá xấu hổ để thừa nhận”, Catherine nói.

Đại dịch làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Tổ chức từ thiện Adoption UK cho biết 31% phụ huynh báo cáo bị con nuôi bạo lực từ khi lệnh phong tỏa được ban bố.

“Các gia đình đang phải chịu nhiều áp lực hơn. Việc trẻ em dùng bạo lực có thể do đã phải chịu tổn thương, hoặc là chúng đã chứng kiến người trưởng thành hành xử, hoặc làm vậy để thấy an toàn hơn”, ông Sue Armstrong Brown, Giám đốc Điều hành của tổ chức từ thiện nói.

Chú thích ảnh
Việc trẻ em dùng bạo lực có thể do đã phải chịu tổn thương trong quá khứ. Ảnh: Shutterstock

Năm 11 tuổi, cô con gái nuôi Joanne của Elizabeth Walters, hiện 15 tuổi, đã chửi rủa cô và chồng, 64 tuổi. Năm 12 tuổi, Joanne ném một hòn đá vào đầu mẹ mình, để lại một vết sẹo lớn trên đầu cô.  Elizabeth giờ đã học được cách kiềm chế con gái trong cơn thịnh nộ bằng cách ngồi xuống và giữ tay cô bé.

Joanne được nhận nuôi từ khi cô bé mới 11 tháng. Cô bé mắc chứng rối loạn phản ứng gắn bó, một tình trạng gây ra bởi chấn thương phát triển. “Con bé sẽ không bao giờ tin rằng chúng tôi sẽ luôn yêu thương con và cố tình phá hoại mọi thứ”, Elizabeth nói.

Elizabeth đã bỏ qua những lời khuyên từ bạn bè, tranh cãi với chồng vì tin vào cách nuôi dưỡng con bằng tình yêu thay vì kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng sự tận tâm như vậy đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô. Lệnh phong tỏa vì COVID-19 đã khiến mọi hy vọng của Elizabeth tiêu tan và cô càng tuyệt vọng hơn khi hàng ngày luôn bị con mắng chửi.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Daily Mail)
Báo động nạn cha mẹ đẻ bạo hành con cái trong các gia đình Nhật Bản
Báo động nạn cha mẹ đẻ bạo hành con cái trong các gia đình Nhật Bản

Nhiều năm trở lại đây, những vụ cha mẹ bạo hành con cái ngày càng gia tăng tại Nhật Bản khiến đất nước nổi tiếng có tỷ lệ tội phạm thấp phải vật lộn tìm cách giải quyết. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do sự đảo lộn cuộc sống khiến các bà mẹ phải chịu nhiều áp lực đến nỗi làm hại những đứa trẻ vô tội do chính mình sinh ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN