Nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Viện Khoa học hàng hải (AIMS) tiến hành nghiên cứu trong 3 năm. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Pollution ngày 3/8.
Sau khi đánh giá 66 mẫu nước biển ngoài khơi vùng biển Đông Bắc Australia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhựa tại tất cả các tầng của đại dương, bao gồm cả rạn san hô Great Barrier.
Giáo sư Mark Hamann, chuyên gia sinh học hàng hải tại Đại học James Cook, đồng thời là thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đột phá trong nghiên cứu lần này chính là biết được tỷ lệ nhựa bị cuốn ra đại dương. Các nhà khoa học ước tính đến năm 2030, mỗi năm sẽ có khoảng 20 - 53 triệu tấn nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới biển, khiến các nguy cơ liên quan tăng khoảng 50% tại một số môi trường biển. Điều đáng quan ngại là sự phổ biến của các hạt vi nhựa (những mẩu nhựa có kích thước dưới 5 mm).
Chuyên gia Hamann cảnh báo các hạt nhựa đang ngày càng nhỏ và kích thước siêu nhỏ như vậy sẽ khiến chúng dễ bị các động vật nuốt vào. Riêng đối với rạn san hô Great Barrier, đây có thể trở thành thảm họa bởi kể cả những loài cá nhỏ nhất hay san hô cũng đều có thể hấp thụ vi nhựa.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng nhựa dưới biển sẽ tăng lên sau một số hiện tượng thời tiết như gió mạnh hay mưa lớn. Đây có thể là một bước quan trọng trong việc giúp tính toán chính xác lượng nhựa có nguy cơ bị trôi ra biển. Trên cơ sở đó, khi nắm được dự báo sắp có mưa lớn, các nhà khoa học có thể sử dụng nhiều biện pháp để kiểm soát các mảnh nhựa trôi nổi trên sông vào từng thời điểm, thông qua việc sử dụng các dụng cụ ngăn nước mưa hoặc hứng nước mưa.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiếp tục theo dõi các dòng vi nhựa và tác động của chúng đối với chuỗi thực phẩm ở đại dương.