Theo số liệu công bố ngày 17/4 của Phái bộ Hỗ trợ Afghanistan của Liên hợp quốc (UNAMA), tổng số dân thường thương vong trong thời gian 1/1-31/3 là 1.943 người, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc Nhân quyền của UNAMA, bà Danielle Bell, cho biết phần lớn những người này là nạn nhân của các tấn công liều chết và các vụ nổ. Trong số các nạn nhân có khoảng 30% là trẻ em. Các tay súng Taliban và các nhóm cực đoan nhỏ lẻ khác thực hiện tới 60% các vụ tấn công bạo lực tại Afghanistan trong quý I/2016. Trước thực trạng này, UNAMA kêu gọi các bên liên quan tại Afghanistan đối thoại và có các biện pháp bảo vệ dân thường.
Nhân viên an ninh kiểm tra các phương tiện giao thông tại một trạm kiểm soát ở tỉnh Kunduz, phía Bắc Afghanistan ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Các số liệu trên được công bố ít ngày sau khi phiến quân Taliban tại Afghanistan tuyên bố bắt đầu "chiến dịch tấn công mùa Xuân" hàng năm, trong bối cảnh chính quyền Kabul nỗ lực đưa nhóm phiến quân này trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia Nam Á này.
Trong thông điệp trên mạng ngày 12/4, Taliban tuyên bố sẽ triển khai nhiều cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cảnh sát và quân đội trên khắp Afghanistan trong chiến dịch mang tên "chiến dịch Omari", theo tên của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar được thông báo đã chết hồi năm ngoái. Taliban cũng kêu gọi các quân nhân và viên chức Afghanistan từ bỏ chức vụ trong chính phủ để gia nhập Taliban.
Trong chiến dịch tấn công mùa Xuân năm 2015 mang tên "Azm", đa số các vụ tấn công của Taliban là đánh bom liều chết và gài bom ven đường khiến nhiều người thiệt mạng. Theo một báo cáo do UNAMA công bố giữa tháng 2 vừa qua, hơn 3.540 dân thường đã thiệt mạng và hơn 7.450 người bị thương ở Afghanistan trong năm 2015, trong bối cảnh bạo lực lan rộng tại nhiều khu vực ở nước này.
Bất ổn gia tăng tại Afghanistan kể từ cuối năm 2014, khi lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại nước này và chỉ duy trì một lực lượng gồm khoảng 13.000 binh sĩ để hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan.
Nhóm Taliban đặt điều kiện tiên quyết để nối lại hòa đàm trực tiếp với Chính phủ Afghanistan là toàn bộ lực lượng nước ngoài phải rút khỏi nước này. Các cuộc hòa đàm giữa Taliban và chính quyền Kabul được khởi động vào mùa Hè năm ngoái, song đã bị dừng đột ngột sau khi có tin thủ lĩnh Taliban Mullah Omar đã chết hai năm trước đó. Kể từ tháng 1 vừa qua, nhóm 4 bên gồm các nhà ngoại giao đại diện cho Afghanistan, Mỹ, Trung Quốc và Pakistan đã xúc tiến các cuộc họp bàn nhằm đưa Taliban trở lại bàn đàm phán, song các nỗ lực này đến nay chưa đạt kết quả.