Người đứng đầu LHQ cho biết ông đến dự hội nghị để "phát tín hiệu SOS toàn cầu - hãy cứu lấy biển của chúng ta - vì mực nước biển tăng nhanh". Ông nhấn mạnh "một thảm họa toàn thế giới đang đặt Thái Bình Dương vào tình trạng nguy hiểm".
Các đảo quốc Thái Bình Dương dân cư thưa thớt và có ít ngành công nghiệp nặng, tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu của khu vực này chiếm chưa đến 0,02% lượng phát thải toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, khu vực gồm các đảo núi lửa và đảo san hô ở vị trí thấp này cũng nằm trong một hành lang nhiệt đới bị đe dọa do sự xâm lấn của đại dương.
Theo dõi các máy đo thủy triều được lắp đặt trên các bãi biển nổi tiếng của Thái Bình Dương kể từ đầu những năm 1990, Tổ chức Khí tượng thế giới phát hiện rằng mực nước biển ở một số khu vực của Thái Bình Dương đã dâng cao khoảng 15 cm trong 30 năm qua, trong khi mực nước dâng trung bình toàn cầu là 9,4 cm.
Một số địa điểm, đặc biệt là ở Kiribati và quần đảo Cook, mực nước biển dâng bằng hoặc thấp hơn chút ít so với mức trung bình toàn cầu. Nhưng ở các địa điểm khác như các thành phố thủ đô của Samoa và Fiji, mực nước dâng cao gần gấp ba lần.
Tại Tuvalu, quốc đảo nằm ở vùng trũng của Thái Bình Dương, đất khan hiếm đến mức trẻ em sử dụng đường băng tại sân bay quốc tế làm sân chơi tạm thời.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, trong một số kịch bản dù chỉ ở mức vừa phải, Tuvalu có thể gần như bị xóa sổ hoàn toàn khỏi bản đồ trong vòng 30 năm tới. Bộ trưởng Khí hậu Tuvalu Maina Talia cho rằng trước thực trạng thảm họa nối tiếp thảm họa, các nước đang mất đi khả năng tái thiết, chống chọi với bão lũ. Ông Maina Talia nhấn mạnh đây là vấn đề sống còn đối với các quốc đảo như Tuvalu.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với các đảo quốc Thái Bình Dương và giảm ô nhiễm khí hậu là yếu tố then chốt đối với tương lai của khu vực này. Đặc biệt, khu vực Nam Thái Bình Dương được cảnh báo về mối đe dọa do mực nước biển dâng.
Theo Liên hợp quốc, phần lớn người dân khu vực này sống trong phạm vi 5 km tính từ bờ biển. Mực nước biển dâng cao đang nuốt chửng đất đai khan hiếm và làm ô nhiễm nguồn thực phẩm và nguồn nước.
Tình trạng nước biển ấm lên cũng đang thúc đẩy các thảm họa thiên nhiên dữ dội hơn, trong khi quá trình axit hóa đại dương đang dần giết chết các rạn san hô nuôi dưỡng các chuỗi thức ăn quan trọng ở biển.