Theo tờ Guardian, một loạt vụ tấn công bạo lực của thành viên Taliban nhằm vào các nhà báo Afghanistan đang gây báo động về quyền tự do truyền thông ở đất nước này.
Khi những hình ảnh và thông tin về vụ bắt giữ và đánh đập tàn bạo hai phóng viên đưa tin về cuộc biểu tình vì quyền của phụ nữ ở Kabul vào tuần trước được công bố hôm 8/9, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã lên tiếng báo động về nạn bạo lực với các nhà báo ở Afghanistan.
Theo CPJ, chỉ trong hai ngày của tuần này, Taliban đã bắt giữ và sau đó trả tự do cho ít nhất 14 nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình ở Kabul, ít nhất 6 người trong số họ bị đánh đập bạo lực khi bị bắt giữ. Các nhà báo khác, bao gồm một số làm việc cho đài BBC, cũng bị ngăn cản ghi hình về cuộc biểu tình ngày 3/9.
Ngày 7/9, chính quyền Taliban đã bắt giữ một phóng viên ảnh của mạng truyền hình tư nhân Tolonews là Wahid Ahmadi, tịch thu máy ảnh và ngăn các nhà báo khác quay phim về cuộc biểu tình.
Những đe doạ mới đối với giới truyền thông được cho là phù hợp với thông báo của Bộ Nội vụ mới trong chính quyền Taliban rằng họ cấm các cuộc biểu tình trái phép.
Ông Steven Butler, điều phối viên chương trình tại Châu Á của CPJ cho biết: “Taliban đang nhanh chóng chứng minh rằng những cam kết trước đó về cho phép các phương tiện truyền thông độc lập của Afghanistan tiếp tục hoạt động tự do và an toàn là vô giá trị”.
“Chúng tôi kêu gọi Taliban thực hiện những lời hứa trước đó, ngừng đánh đập và giam giữ các phóng viên đang làm công việc của họ, và cho phép các phương tiện truyền thông tự do tác nghiệp mà không sợ bị trả thù”, ông Butler nói.
Patricia Gossman, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, cũng có chung lời kêu gọi: “Chính quyền Taliban tuyên bố rằng họ sẽ cho phép các phương tiện truyền thông hoạt động miễn là ‘tôn trọng các giá trị Hồi giáo’, nhưng họ đang ngày càng ngăn cản các nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình. Taliban cần đảm bảo rằng tất cả các nhà báo có thể thực hiện công việc của họ mà không bị hạn chế bằng bạo lực hoặc sợ bị trừng phạt”.
Một nhà báo tên tuổi người Afghanistan, trao đổi giấu tên với Guardian, cho biết mặc dù các nhân vật cấp cao trong Taliban đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông có thể hoạt động tự do, nhưng thực tế là các nhà báo đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng lớn từ các thành viên Taliban ở địa phương.
“Có sự khác biệt lớn giữa Taliban trên truyền thông và Taliban trên đường phố,” nhà báo này nói. “Những thành viên Taliban trên đường phố là người địa phương, họ không hiểu biết và rất hà khắc. Những gì các nhân vật cao cấp đang nói là không thể chấp nhận được đối với Taliban địa phương. Họ quen chiến đấu và không được học hành”.
Nhà báo trên cũng cho biết: “Thành viên Taliban ở địa phương đã đánh các nhà báo ở Kabul và một số nơi khác. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, tôi tin rằng quyền tự do báo chí đã chấm dứt ở Afghanistan… Mọi người không thể chỉ trích Taliban trên các phương tiện truyền thông”.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi chính phủ Taliban mới thành lập đồng ý cho thực hiện chuyến bay sơ tán 200 người Mỹ và các công dân nước ngoài khác khỏi Kabul vào ngày 9/9.
Đây là chuyến bay quốc tế đầu tiên cất cánh từ sân bay Kabul kể từ khi kết thúc chiến dịch sơ tán hỗn loạn do Mỹ dẫn đầu nhằm hàng nghìn người nước ngoài và những người Afghanistan có thể gặp nguy hiểm rời khỏi quốc gia này.
Bằng chứng về việc ngày càng gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào giới truyền thông đã trở nên rõ ràng hơn sau vụ Taliban đánh đập hai phóng viên của tờ Etilaat Roz. Hai người này bị bắt giam khi đưa tin về một cuộc biểu tình vì quyền của phụ nữ ở Kabul.
Hình ảnh về vết thương của hai nhà báo, bao gồm vết thương lớn và nhiều vết bầm tím trên lưng, đùi, đã được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội.
Theo một trong hai nạn nhân là nhiếp ảnh gia Nematullah Naqdi, hai nhà báo đã bị đưa đến đồn cảnh sát ở thủ đô, rồi bị đánh đấm bằng dùi cui, dây cáp điện và roi. “Một trong những tên Taliban đã đặt chân lên đầu tôi, đè mặt tôi xuống nền bê tông. Họ đá vào đầu tôi… Tôi đã nghĩ họ sẽ giết mình”, Naqdi nói.
Naqdi cho biết anh và đồng nghiệp, phóng viên Taqi Daryabi, bị một chiến binh Taliban bắt ngay sau khi họ bắt đầu chụp ảnh về cuộc biểu tình.
"Tên Taliban bắt đầu lăng mạ tôi, đá tôi", Naqdi nói thêm rằng anh bị cáo buộc là người tổ chức cuộc biểu tình. Khi thắc mắc là tại sao bị đánh, Naqdi nhận được câu trả lời: “May mắn là mày không bị chặt đầu”.
Hàng loạt cuộc tấn công đã diễn ra sau khi Taliban tuyên bố thành lập chính phủ mới hôm 7/9, vốn được coi là tín hiệu cho thấy lực lượng này không muốn mở rộng bộ máy lãnh đạo cũng như thể hiện một bộ mặt khoan dung hơn như cam kết trước đó với thế giới.
Nhiều quốc gia đã thận trọng đón nhận thông tin Taliban công bố chính phủ lâm thời. Những người chỉ trích kêu gọi giới lãnh đạo Taliban tôn trọng các quyền cơ bản của con người và vực dậy nền kinh tế Afghanistan đang có nguy cơ sụp đổ trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thiếu lương thực và viện trợ nước ngoài bị cắt giảm.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki đã tuyên bố rằng viện trợ dài hạn của Mỹ với Afghanistan sẽ phụ thuộc vào việc Taliban duy trì các quyền tự do cơ bản.