Báo động về số lượng loài voi châu Phi giảm mạnh

Loài voi châu Phi đang giảm mạnh về số lượng do nạn săn bắn trộm kéo dài hàng thập kỷ qua và môi trường sống của chúng đang bị thu hẹp.

Các nhà bảo tồn môi trường thiên nhiên ngày 25/3 đã đưa ra cảnh báo trên trong cập nhật Danh sách đỏ mới nhất của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa. 

Chú thích ảnh
Voi trong khu bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: naturalworldsafaris.com

Theo IUCN, số lượng loài voi rừng ở châu Phi đã giảm hơn 86% trong 3 thập kỷ qua, do đó được coi là trong tình trạng "cực kỳ nguy cấp" và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong khi đó, số lượng loài voi bụi rậm châu Phi giảm ít nhất 60% trong 50 năm qua và hiện được liệt trong nhóm loài "nguy cấp" trong Danh sách đỏ. Trước đây, voi ở châu Phi được đánh giá là loài duy nhất dễ bị tổn thương, song không bị "nguy cấp".

Trong một tuyên bố, người đứng đầu IUCN Bruno Oberle nêu rõ: "Đánh giá trong Danh sách đỏ mới ngày hôm nay về cả hai loài voi ở châu Phi cho thấy áp lực ngày càng tăng mà loài động vật mang tính biểu tượng này đang phải đối mặt".

Chỉ cách đây nửa thế kỷ, khoảng 1,5 triệu con voi sinh sống ở châu Phi. Tuy nhiên, chúng hiện chỉ còn khoảng 415.000 con, theo kết quả đánh giá gần đây nhất về dân số loài này được thực hiện vào năm 2016. 

Ông Benson Okita-Ouma thuộc tổ chức Cứu loài voi, cũng là đồng Chủ tịch Nhóm chuyên gia về voi châu Phi thuộc IUCN, nhấn mạnh rằng loài voi ở châu Phi thực sự đang giảm mạnh và cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng này. Ông nói: "Những đánh giá này là lời cảnh báo sớm rằng chúng ta cần phải hành động nếu không loài động vật này sẽ bị tuyệt chủng". 

Có 1/4 loài voi rừng châu Phi được tìm thấy sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Trung Phi và nhiều môi trường sống khác nhau ở Tây Phi, trong khi phần lớn còn lại sinh sống ở Gabon và CH Congo. Trong khi đó, loài voi bụi rậm châu Phi được phát hiện sinh sống chủ yếu ở các môi trường sống ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara. 

Theo IUCN, số lượng cả hai loài voi này đều giảm mạnh kể từ năm 2008 do nạn săn bắn trái phép để lấy ngà. Vấn đề này đã lên tới đỉnh điểm vào năm 2011 và tiếp tục đe dọa tới dân số loài này. Bên cạnh đó, việc người dân châu lục này mở rộng đất đai để trồng trọt hay sử dụng vào các mục đích khác cũng làm cho môi trường sống của chúng bị thu hẹp. Ông Benson Okita-Ouma nhấn mạnh, để bảo vệ loài động vật này, các nước cần phải quy hoạch sử dụng đất một cách phù hợp, cũng như chấm dứt nạn săn bắn trộm hay giết hại voi một cách bất hợp pháp.

Minh Châu (TTXVN)
Giải mã ADN lâu đời nhất thế giới từ voi ma mút
Giải mã ADN lâu đời nhất thế giới từ voi ma mút

Các nhà khoa học mới đây đã khôi phục và giải mã được ADN từ răng của những con voi ma mút sống tại Đông Bắc Siberia cách đây gần 1,2 triệu năm trước, theo đó đây là ADN lâu đời nhất thế giới được giải mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN