Đúng kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày 19/5, Báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức đã dành cả trang 12 để đăng bài viết cảm động của tác giả người Đức Hellmut Kapfenberger về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ chụp ảnh chung cùng các thủy thủ hải quân CHDC Đức ở Stralsund năm 1957. (ảnh chụp màn hình bài báo) |
Với tiêu đề "Người Cha của cách mạng", ngay đoạn dẫn vào bài viết, tác giả mô tả ngắn gọn về Bác như sau: "Một hành trình mạo hiểm từ người phụ tàu trở thành vị Chủ tịch nước Việt Nam". Mở đầu bài viết, tác giả đi trực tiếp vào ngày 2/9/1945 sau thành công của Cách mạng tháng Tám, đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam. Theo tác giả, tại Quảng trường Ba Đình, Bác đã đọc một bản giấy do chính Người đánh máy, đó là bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự kiện đã đi vào lịch sử thế giới.
Gần một triệu người, từ già trẻ, đàn ông, phụ nữ, các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo đã được lắng nghe và tận mắt được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người mà nhiều người trong số họ lâu nay đã biết với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Tác giả đã đặt một loạt câu hỏi (Đó là ai?) theo cách tự trả lời để nêu bật tầm vóc và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước khỏi thực dân Pháp, người mà hơn 4 năm trước mới trở về nước sau hàng chục năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, người mà lời nói có thể hiệu triệu hàng triệu người đứng lên.
Trong phần hai của bài viết, tác giả lần lại những bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành. Các chi tiết được nêu trong bài viết chứng tỏ tác giả là người rất am hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là người rất cảm phục với một người đã cống hiến cả cuộc đời vì dân vì nước. Tác giả viết, Bác được sinh ra ở một ngôi làng ở miền Trung Việt Nam, trong một gia đình nhà nho có truyền thống cách mạng. Năm 1911, Bác đã nhận làm phụ bếp với tên Anh Ba trên một con tàu chở hàng đến Marseille (Pháp). Tiếp đó, Bác đến nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Năm 1917, Người đã trở lại Pháp, tiếp xúc với Đảng Xã hội Pháp và giai đoạn này là khởi nguồn cho hoạt động chính trị và báo chí của Bác... Người đã trở về Việt Nam năm 1941 bằng đường rừng bí mật và lấy một hang núi thuộc tỉnh Cao Bằng làm căn cứ, nơi sau đó trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến ở miền Bắc Việt Nam.
Theo tác giả, ra đi tìm đường cứu nước khi mới 21 tuổi, người thanh niên yêu nước và ham học hỏi đã tìm tới các nước phương Tây để tìm hiểu cách thức mang lại độc lập và cường thịnh cho nước nhà. Người đã dành hết những gì học hỏi được để mang về phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Tác giả dẫn lời các nhà sử học cũng như các nhà nghiên cứu ca ngợi đức độ cũng như sự quảng đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà theo tác giả ai cũng biết tên. Tác giả khẳng định những người đã biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người giải dị và đáng kính trọng, sẽ không bao giờ quên được vị Lãnh tụ của dân tộc Việt Nam này.
Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)