Theo tờ FAZ, Trung Quốc và Nga muốn BRICS, câu lạc bộ gồm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), trở thành đối trọng với nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh và Moskva đang tìm cách mở rộng nhóm cho các thành viên mới.
Trong bài đăng ngày 29/6, tờ FAZ tuyên bố rằng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch tấn công Ukraine, kéo theo là các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moskva đã cố gắng củng cố và mở rộng liên minh của mình với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Điện Kremlin được cho là đã nuôi hy vọng biến BRICS thành một giải pháp thay thế cho G7 (trước đây là G8, bao gồm cả Nga) từ nhiều năm nay sau khi Nga bị loại khỏi G8. Theo tờ báo của Đức, Điện Kremlin hiện đã tăng cường gấp đôi nỗ lực này.
Hôm 27/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo rằng hai quốc gia nữa là Argentina và Iran đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Trên kênh Telegram của mình, nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng điều này xảy ra "trong khi Nhà Trắng đang suy nghĩ xem nên ngắt kết nối, cấm đoán hoặc làm phá hỏng thứ gì trên thế giới."
Trước đó, các quan chức ở cả Tehran và Buenos Aires đều xác nhận đất nước họ sẵn sàng trở thành thành viên chính thức của BRICS.
Cũng bình luận trên Telegram, Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov, người trước đây từng đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia, lập luận rằng “mặc dù BRICS không tuyên bố điều này, nhóm có khả năng trở thành một sự thay thế và thậm chí là một đối trọng với G7 trong tương lai vì nó liên kết các quốc gia hàng đầu của thế giới không thuộc phương Tây".
Ông Pushkov mô tả đơn xin gia nhập của Iran và Argentina là một "bước đột phá, vì điều này không chỉ làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, mà còn mở rộng đáng kể tổ chức kinh tế-chính trị hàng đầu của thế giới không thuộc phương Tây."
Trong khi đó, các chuyên gia được hãng thông tấn RIA Novosti của Nga trích dẫn tuyên bố rằng có thêm 10 quốc gia có thể tham gia BRICS trong tương lai, trong đó có Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.
Theo tờ FAZ, một thành viên sáng lập BRICS khác là Trung Quốc cũng háo hức muốn câu lạc bộ này mở rộng hơn nữa. Bắc Kinh được cho là muốn mời Indonesia và Ai Cập tham gia tổ chức. Cũng giống như Nga, Trung Quốc coi BRICS mở rộng là một giải pháp thay thế tiềm năng cho G7 do phương Tây thống trị.
Tờ báo cho rằng, với mục tiêu này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy sớm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của BRICS từ ngày 4/7 lên 23/6. Bắc Kinh được cho là muốn Hội nghị này bắt đầu ngay trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Bavaria và hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào 29/6.
Tờ báo cũng cho rằng Trung Quốc đã mời 13 quốc gia khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS để thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm trên toàn cầu. Trong số các quốc gia này có Ai Cập, Fiji, Algeria, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả BRICS là một dự án đối trọng và là một “đại gia đình”, trái ngược với các liên minh do Mỹ lãnh đạo, mà ông gọi là “những vòng tròn nhỏ, bá chủ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng tất cả các quốc gia thành viên nhóm đều ủng hộ ý tưởng mở rộng. Tuy nhiên theo tờ FAZ, ba nước gồm Brazil, Ấn Độ và Nam Phi không hoàn toàn cùng quan điểm về vấn đề này.