Tại Zimbabwe, quốc gia có số nạn nhân thiệt mạng nhiều nhất tính đến thời điểm hiện tại (98 người), Bộ Thông tin, Truyền thông và Truyền thanh cho biết còn 217 người ở nước này chưa rõ tung tích.
Dự kiến, trong ngày 19/3, Tổng thống nước này Emmerson Mnangagwa sẽ tới tỉnh Manicaland thị sát khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão và đánh giá mức độ thiệt hại.
Do ảnh hưởng của cơn bão, hệ thống cầu đường tại địa phương này bị hư hai nghiêm trọng, trong khi hàng nghìn người mất nhà cửa do ngập lụt. Chính phủ Zimbabwe đã ban bố tình trạng khẩn cấp với gói cứu trợ 50 triệu USD, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Hiện công tác cứu hộ và cứu nạn vẫn đang được triển khai nhằm tìm kiếm người mất tích trong nước lũ và các đống đổ nát. Nhiều tuyến được dự kiến sẽ được khai thông trở lại để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Tại Mozambique, đại diện của Hội chữ thập đỏ quốc tế cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão Idai và lũ lụt ở nước này đã lên tới 84 người. Hiện Hội chữ thập đỏ quốc tế đang phối hợp với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thu thập thông tin vệ tinh để có được đánh giá toàn cảnh về khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão Idai và số lượng người còn mắc kẹt trong cơn bão này.
Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP), có ít nhất 1,7 triệu người ở Mozambique nằm trên hướng di chuyển của bão Idai.
Ngoài ra, có 920.000 người ở Malawi bị ảnh hưởng của cơn bão này. WFP kêu gọi Mozambique yêu cầu Nam Phi cử máy bay trực thăng hỗ trợ sơ tán người bị nạn mắc kẹt do bão trong bối cảnh mưa lớn và tình trạng ngập lụt trên diện rộng được dự báo kéo dài trong vài ngày tới.
Trước đó, Tổng thống Mozambique Philipe Nyusi cảnh báo số nạn nhân do bão Idai ở nước này có thể lên tới 1.000 người.