Hội đồng kiểm phiếu phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La mở hòm kiểm phiếu. Ảnh: Công Luật/TTXVN |
Bài báo mở đầu với việc so sánh thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam với cuộc bầu cử Nghị viện Iran (Majlis) lần thứ 14. Theo đó, 63,5 triệu người Việt Nam đã bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và gần 4.000 đại biểu Hội đồng nhân dân ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, kết quả sẽ được thông báo chính thức sau 3 tuần nữa.
Tehran Times đánh giá Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã đạt thành tựu nổi bật với việc thông qua 107 luật trong nhiệm kỳ 5 năm. Đáng chú ý là sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 và kể từ sau khi Hiến pháp ra đời, gần 70 dự án luật đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Đồng thời, phiên họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã hoàn thiện công tác tổ chức lãnh đạo cấp cao, bao gồm nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử và các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và các Phó Chủ tịch nước, Chánh án toàn án nhân dân tối cao. Quốc hội Việt Nam khóa 13 cũng đã bầu ra Thủ tướng Chính phủ, ba Phó Thủ tướng và các thành viên khác trong chính phủ.
Tehran Times cho rằng Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ tiếp tục kế thừa thành tích đó. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội mới là để giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020, cũng giống như kế hoạch phát triển lần thứ 6 của Iran cùng thời kỳ.
Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đề cập đến nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020: “Mục tiêu 5 năm tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động hội nhập quốc tế, giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vững bước trên chặng đường phát triển mới.”
Phần viết về Việt Nam trên tờ báo Iran. |
Đánh giá về Quốc hội mới và quan hệ Việt Nam - Iran, Tehran Times cho rằng, quan hệ Nghị viện song phương tương đối thân thiện. Trong những năm gần đây, các nhóm nghị sĩ hữu nghị (GDF) ở mỗi nước thường có các hoạt động trao đổi. Tháng 11/2014, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Iran thăm Việt Nam và Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam cũng có chuyến thăm thúc đẩy hiểu biết và tăng cường hợp tác song phương năm 2015. Một phái đoàn của Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ mới có dự định sẽ thăm Iran trong tháng bảy.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 3/2016), hai bên đã đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại lên tới 2 tỉ USD trong 5 năm tới. Nghị viện mới ở cả hai nước nước hiện nay sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ song phương và thúc đẩy mục tiêu này.
Cho tới nay, Iran chỉ chiếm 347 triệu USD thị phần trong thị trường 148 tỷ USD của Việt Nam, còn Việt Nam chỉ chiếm 14 triệu USD thị phần trong thị trường 78 tỷ USD của Iran. Tuy nhiên, cơ hội lớn vẫn ở phía trước. Như chủ tịch Phòng thương mại, công nghiệp mỏ và nông nghiệp Iran - Mohsen Jalalpour nhấn mạnh (ngày 16/3), vai trò thành viên của Việt Nam trong các khối kinh tế lớn như ASEAN và TPP tạo cơ hội cho hàng hóa Iran xuất khẩu trước hết vào thị trường 91 triệu dân của Việt Nam và sau đó là Hiệp hội kinh tế khu vực ASEAN và có thể tái xuất sang Mỹ, Canada và Nam Mỹ với mức thuế thấp hơn.
Iran cũng có thể là lựa chọn hợp lý trong các hợp đồng xây lắp, công nghiệp để Việt Nam phát triển. Các công ty Iran có thể tham gia các lĩnh vực công trình biển, dầu khí, hóa dầu, phát triển đô thị và thoát nước tại Việt Nam. Ngoài ra, vị trí kinh tế của Iran tại khu vực là cơ hội để Việt Nam tham gia vào thị trường khổng lồ 400 triệu dân ở khu vực giàu có này. Nhu cầu của người Iran có thể trở thành động lực cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh Iran đang tận dụng các cơ hội có được sau JCPOA thành công.
Bài báo kết luận bằng đánh giá mục tiêu 2 tỉ USD trao đổi thương mại là đích của con đường dài nhưng đầy triển vọng, vì còn nhiều cơ hội cho cả hai nước cùng nỗ lực phấn đấu đạt được.