Theo đài RT (Nga), hồi tháng 4, Đức tuyên bố sẽ cung cấp khẩu đội Patriot thứ 3 do Mỹ sản xuất từ kho dự trữ của nước này cho Kiev để tăng cường sức mạnh đối phó với Nga. Berlin hy vọng các quốc gia khác sau đó sẽ có động thái tương tự theo sáng kiến “Hành động phòng không ngay lập tức”. Tuy nhiên, hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán tiết lộ các quốc gia đối tác không sẵn lòng thực hiện điều này.
Một số quốc gia châu Âu sở hữu hệ thống Patriot đã công khai tuyên bố họ sẽ không thể cung cấp vũ khí này cho Ukraine. Trong đó, Ba Lan, một trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc gửi thêm vũ khí cho Kiev, đã từ chối lời kêu gọi này.
Romania cũng chỉ ra rằng họ sẽ xem xét yêu cầu của Mỹ tài trợ một số hệ thống phòng không. Tuy nhiên, tuần trước, Thủ tướng Marcel Ciolacu nhấn mạnh giới lãnh đạo quân sự nước này không ủng hộ ý tưởng đó.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố rằng việc tiếp nhận thêm hệ thống tên lửa tầm xa là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước, ông Kuleba nói rằng ông không thể tin được Mỹ, quốc gia sản xuất hệ thống này, lại “không có ít nhất một khẩu đội Patriot” để cung cấp cho Kiev.
Về phần mình, Washington cho biết họ đang thực hiện phần việc của mình bằng cách gửi tên lửa đánh chặn cho bệ phóng mà Kiev đã có. Giá của một khẩu đội Patriot là hơn 1 tỷ USD và những loại vũ khí mà hệ thống này bắn ra có giá hàng triệu USD. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước cho biết Washington đang tích cực tìm cách cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine.
Là một giải pháp thay thế cho các hệ thống phòng không, Kiev đã đề nghị các đồng minh phương Tây sử dụng hệ thống của họ để bắn hạ tên lửa Nga đang tiếp cận các mục tiêu ở Ukraine. Ba Lan được cho là đang xem xét ý tưởng này. Tuy nhiên các quốc gia khác, bao gồm Đức, đã công khai phản đối vì cho rằng điều đó sẽ trực tiếp đưa NATO vào cuộc đối đầu với Nga.