Hãng tin RT dẫn thông tin của báo Thời báo New York cho biết Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang bố trị các mật vụ tại thủ đô Kiev để hỗ trợ thông tin tình báo cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
Thời báo New York dẫn lời các quan chức đương nhiệm, cựu quan chức Mỹ và châu Âu cho biết một mạng lưới bí mật các lính biệt kích và nhân viên tình báo tới từ Mỹ và các đồng minh của Washington đang hoạt động để cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện cho các lực lượng Ukraine.
Theo nguồn tin trên, dù nhiều hoạt động hỗ trợ này diễn ra ở các căn cứ tại Anh, Đức và Pháp, song một số mật vụ CIA lâu nay đã được triển khai bên trong lãnh thổ Ukraine, hầu hết tại thủ đô Kiev. Nhiệm vụ của lực lượng ngầm này là chia sẻ các bức ảnh vệ tinh và thông tin tình báo với binh sĩ Ukraine.
Vào cuối tháng 2, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã tuyên bố sơ tán các huấn luyện viên quân sự khỏi Ukraine. Ngay sau khi xung đột nổ ra, Nhóm Lực lượng Đặc nhiệm Số 10 của Quân đội Mỹ đã thành lập một tổ tác chiến ở Đức để điều phối hoạt động viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Nhóm này được cho là đã vươn tới 20 quốc gia.
Tờ báo nổi tiếng của Mỹ đưa tin rằng “vài chục lính biệt kích" từ các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như Canada, Anh, Pháp và Litva cũng đang hoạt động tại Ukraine.
Từ đầu xung đột tới nay, các nước NATO đã cung cấp một số lượng lớn viện trợ quân sự cho Chính phủ Ukraine bao gồm cả vũ khí hạng nặng, trong đó có các hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu không người lái, xe thiết giáp, pháo tự hành. NATO đồng thời tiến hành huấn luyện binh sĩ Ukraine cách thức sử dụng vũ khí-khí tài của phương Tây.
Thời gian gần đây, Lầu Năm Góc cũng chuyển giao cho Kiev các hệ thống rocket phóng loạt hiện đại M142 HIMARS và pháo tự hành M777. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Ukraine đang đối mặt với “thời điểm then chốt trên chiến trường" và kêu gọi các đồng minh tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Thông tin về sự hiện diện và hoạt động của lực lượng biệt kích phương Tây và nhân viên tình báo Mỹ CIA bên trong lãnh thổ và xung quanh Ukraine xuất hiện đúng ngày Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ở Đức. Các thành viên G7 – bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản – là những quốc gia đi tiên phong trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới xung đột ở Ukraine.
Video Nga phóng tên lửa chiến thuật phá hủy kho vũ khí do phương Tây viện trợ cho Ukraine (Nguồn: RT)
Nga từng tuyên bố nước này coi vũ khí của nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp. Moskva nhiều lần phản đối phương Tây “bơm” vũ khí cho Ukraine, đồng thời cáo buộc điều đó sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” xung đột, phá hủy tiến trình đàm phán. Nga cảnh báo sẵn sàng nhắm mục tiêu vào các đoàn xe chở vũ khí của nước ngoài đi qua lãnh thổ Ukraine.
Ngày 8/5, hãng thông tấn TASS đưa tin Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thông báo: “Lượng lớn vũ khí, khí tài từ Mỹ và các nước phương Tây gửi cho Ukraine đã bị phá hủy bằng hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander gần các ga tàu của thành phố Krasnograd và Karlovka, thuộc tỉnh Kharkov”.
Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, cho rằng Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Nga đã công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.