Theo tờ báo này, trên toàn thế giới hiện đã có trên 4,13 triệu ca nhiễm bệnh và trên 283.000 người tử vong. Việt Nam, quốc gia nằm ngay sát Trung Quốc, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Điều này hoàn toàn không phải do năng lực xét nghiệm hạn chế hay số liệu không chính xác mà là do Việt Nam đã tiếp cận và xử lý dịch COVID-19 dựa trên cơ sở khoa học.
Nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ mất cảnh giác với dịch COVID-19, tờ báo đánh giá cao các biện pháp xét nghiệm được triển khai ngay tại các chốt biên giới và các đội kiểm soát dịch được lệnh kiểm tra và theo dõi mọi trường hợp nghi nhiễm bệnh.
Thay vì phong tỏa cả nước, các đơn vị chống dịch đã tiến hành rà soát, cách ly và điều trị cho những người có triệu chứng nhiễm bệnh và những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Những khu vực có số lượng ca nhiễm đặc biệt cao lập tức được khoanh vùng và cách ly.
Bài viết nêu rõ hệ thống cách ly nhiều tầng đã giúp nhà chức trách Việt Nam ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ đầu đã quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”. Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam còn sản xuất một clip âm nhạc khuyến khích người dân có thói quen rửa tay. Clip này cùng vũ điệu “rửa tay” đã gây hiệu ứng mạnh trên mạng TikTok. Tin nhắn cảnh báo của nhà nước cũng được cập nhật hằng ngày tới điện thoại của người dân. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chất khử trùng tay hiện diện ở khắp các địa điểm công cộng. Trường học và các địa điểm tôn giáo đều bị đóng cửa.
Báo Daily Hampshire Gazette cũng chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị khu vực công sản xuất thiết bị y tế cần thiết, bao gồm đồ bảo hộ phòng dịch, máy thở, chất khử trùng tay và thuốc. Khu vực tư nhân cũng tuân thủ yêu cầu của Chính phủ, trong khi các nhà hảo tâm lắp đặt các máy ATM gạo để phân phối thực phẩm cho những người mất thu nhập do COVID-19. Chính phủ Việt Nam cũng lập các bếp ăn để hỗ trợ người nghèo.
Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh Việt Nam đã phản ứng sớm với dịch bệnh, ngay từ đầu, người Việt Nam đã huy động nguồn lực lớn để chuẩn bị cho cuộc chiến chống dịch, như nâng cao năng lực trong các cơ sở y tế và sản xuất các thiết bị bảo vệ cần thiết.