Từ một quốc gia nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên thành một trong những điểm sản xuất ấn tượng nhất tại Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN
|
Trang mạng Inquirer.net của Philippines vừa đăng tải bài báo với tiêu đề "Việt Nam là thế lực công nghiệp mới ở Đông Nam Á", trong đó dẫn báo cáo mới của Jones Lang Lasalle (JLL), tập đoàn chuyên tư vấn tài chính của Mỹ khẳng định sau 20 năm Việt Nam từ một quốc gia thuần nông nghiệp đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những điểm sản xuất ấn tượng nhất tại Đông Nam Á.
Mở đầu bài báo, Giám đốc phụ trách dịch vụ tài sản của JLL tại Việt Nam Stephen Wyatt nhận định Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một quốc gia công nghiệp mạnh tại khu vực. Tập đoàn dự báo thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm bước sang một giai đoạn mới và nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị trong tương lai, từ thị trường lấy lao động làm trọng chuyển sang thị trường lấy vốn làm trọng. JLL đánh gia từ năm 1986, Việt Nam dành 335 ha đất để phát triển các khu công ghiệp, cho tới nay diện tích đã nhân rộng lên 80.000 ha. Tốc độ phát triển này sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế của một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo, định hướng công nghiệp và xây dựng các khu kinh tế, các thỏa thuận thương mại tự do, đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp.
Đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm địa điểm sản xuất tại nước ngoài thì Việt Nam trở thành lựa chọn lý tưởng do lợi thế về vị trí địa lý. Bài báo nêu rõ, nằm giữa Trung Quốc và Singapore, Việt Nam - với đường biển dài 3.260km,là một cửa ngõ giao thông đường thủy kết nối với Biển Đông, một trong những tuyến giao thông đường biển quan trọng nhất trên thế giới vốn đảm nhận gần 40% lượng hàng hóa (vận chuyển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương) phải đi qua trước khi tới các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định ngành logistics sẽ trở thành một trong những ngôi sao sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 tới 10 năm tới nhờ các điều kiện thuận lợi như sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp cư dân có mức thu nhập trung bình tạo ra lượng thu nhập sau thuế lớn hơn và cùng với đó là sự lớn mạnh của ngành thương mại điện tử giúp thúc đẩy nhu cầu logistics. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cũng rất chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng khi dành 5,8% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho phát triển hạng mục thiết yếu này và đây cũng là mức đầu tư cao nhất trong khu vực. Bài báo nhận định việc tiếp tục duy trì đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc và cảng biển, là một trong những điều kiện tối quan trọng để Việt Nam tiến tới giai đoạn công nghiệp/logistics tiếp theo và nâng cao tính cạnh tranh so với các quốc gia láng giềng khác.
Tất cả những yếu tố trên đã giúp thu hút một lượng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này. Bài viết dẫn chứng sự thành công của Tập đoàn điện tử Sasmung trong hoạt động tại Việt Nam như một trong những ví dụ điển hình. Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam và trở thành "tấm gương" cho nhiều doanh nghiệp tự tin noi gương để bắt đầu thiết lập hoạt động tại Việt Nam.