Siêu bão Sandy với sức gió hơn 120 km/giờ từ vùng biển Caribê đang trên đường đổ bộ với tốc độ nhanh vào hàng chục bang đông dân cư nằm dọc ở bờ Đông nước Mỹ không chỉ đe dọa cuộc sống của hơn 60 triệu người, phá hủy tài sản mà còn đang làm đảo lộn nhiều chương trình vận động tranh cử trong tuần nước rút cuối cùng của các ứng cử viên tổng thống Mỹ.
Cả hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Barack Obama và cựu Thống đốc Mitt Romney đều đã phải điều chỉnh lịch trình và hủy bỏ một loạt cuộc gặp gỡ vận động tranh cử.
Tổng thống Obama đã quyết định hủy các chuyến công du tranh cử đầu tuần này tới các địa phương của ít nhất hai bang dao động quan trọng là Virgina và Colorado.
Nữ phát ngôn chiến dịch vận động tranh cử Jen Psaki cho biết Tổng thống Obama đã hủy chương trình vận động tranh cử ở bang Virgina và Colorado, trở về Nhà Trắng triệu tập cuộc gặp với những quan chức chóp bu của các cơ quan phụ trách về tình trạng khẩn cấp liên bang để thảo luận việc chuẩn bị đối phó với trận siêu bão dự kiến sẽ đổ bộ vào lãnh thổ bờ Đông nước Mỹ, từ bang Florida ở tận cùng phía Nam tới bang Maine ở tận cùng phía Bắc giáp Canada, sớm nhất là trong ngày 29/10.
Hình ảnh siêu bão Sandy đổ bộ vào Mỹ. |
Trong vài ngày tới, ông Obama sẽ có mặt tại Nhà Trắng để theo dõi sát tình hình diễn biến của trận bão. Phó tổng thống Joe Biden cũng đã hủy lịch trình vận động riêng rẽ tại bang Virgina.
Tổng thống Obama đã và đang liên tục nghe các báo cáo cập nhật hàng giờ về diễn biến của trận bão và cũng đã lên kế hoạch thăm những vùng ở Mỹ bị ảnh hưởng nặng bởi trận bão đã tàn phá và làm ít nhất 65 người ở các quốc gia vùng Caribê như
Bahamas, Cuba, Giamaica, trong đó có 51 người ở Haiti, bị thiệt mạng.
Ngay từ sáng 27/10, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Romney cũng đã quyết định hủy bỏ các chương trình gặp gỡ vận động tranh cử tại bang Virgina để cùng ứng cử viên liên danh phó tổng thống, Hạ nghị sỹ Paul Ryan chuyển sang vận động tranh cử tại các bang dao động quan trọng khác dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng bởi trận bão là Ohio, Iowa, Wisconsin và New Hampshire trong hai ngày 29 và 30/10.
Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại tất cả các bang nằm dọc bờ Đông nước Mỹ. Hàng trăm nghìn người đã bắt đầu sơ tán. Hầu hết các trường học trong khu vực dự kiến bão sẽ đổ bộ đã được lệnh đóng cửa trong ngày 29 và có thể cả trong hai ba ngày sau.
Một số hệ thống giao thông công cộng, trong đó có tầu điện ngầm và hàng chục nghìn chuyến bay đã hoặc có nguy cơ bị đóng cửa và hủy bỏ.
Nhiều cửa hàng đã trống trơn các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, máy phát điện, pin, đèn pin và nước uống do người dân đua nhau đi mua đề phòng bão kéo dài và mất điện dài ngày. Thị trường chứng khoán New York cũng đã thông báo sẽ chỉ giao dịch trên mạng trực tuyến trong ngày 29/10.
Dư luận cho rằng cách thức Tổng thống Obama xử lý các tình trạng khẩn cấp do siêu bão Sandy gây ra và thái độ của ông Romney trong tình huống thời tiết bất ngờ này có thể sẽ trở thành một yếu tố tác động tới lá phiếu của cử tri trong ngày bầu cử 6/11 tới.
Siêu bão Sandy được dự báo có thể có sức tàn phá khủng khiếp, gây mưa lớn, ngập lụt, thậm chí cả bão tuyết tại một số vùng trải dài khoảng 1.200 km dọc bờ Đông nước Mỹ.
Liên quan đến sự ảnh hưởng của cơn bão Sandy, ngày 28/10, Văn phòng phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) thông báo trụ sở LHQ tại thành phố New York, Mỹ sẽ phải đóng cửa ít nhất một ngày.
Thông báo nêu rõ: "Do ảnh hưởng của báo Sandy, các văn phòng LHQ tại New York sẽ đóng cửa trong ngày 29/10/2012", mọi cuộc họp dự kiến diễn ra trong ngày 29/10 tại trụ sở LHQ cũng đã bị hủy bỏ.
TTXVN/ Tin Tức