Bảo tàng Aman, nơi lưu giữ và tái hiện những câu chuyện về nước

Mới mở cửa từ đầu tháng 5/2017, Bảo tàng Mohamed VI về nền văn minh nước ở Maroc - Aman là một trong những điểm đến không thể bỏ qua ở Marrakech. Đây được xem như một trong những điểm văn hóa hiện đại nhất Châu Phi.

Lối vào Bảo tàng Mohamed VI về nền văn minh nước ở Maroc - Aman.

Một bể nước lớn trong vắt được tô điểm bởi những vòi phun nước. Một cối xay nước lớn được dựng lên ngay trước cổng chính đồ sộ. Bảo tàng Aman chào đón khách tham quan bằng một cảnh quan khá ấn tượng. Với vị trí đặc biệt, nằm ngay cửa ngõ "thành phố đỏ" Marrakech, đây quả thực là một dự án có một không hai trong thế giới bảo tàng đa dạng ở Maroc.

Nếu nghe nói về bảo tàng nước, có thể người ta sẽ nghĩ đến viễn cảnh đặt chân tới một địa điểm nhàm chán... Hoàn toàn không! Trên thực tế, nước giữ một vị trí quan trọng trong đạo Hồi. Chủ đề luôn mang tính thời sự ấy đã được xử lý một cách tài tình trong một không gian được thiết kế ấn tượng bằng những hỗ trợ công nghệ cao.

Câu chuyện về nước được kể thông qua mười mảng chủ đề, mỗi chủ đề lại được thể hiện trong một khung cảnh nghệ thuật riêng. Các mảng chủ đề được minh họa bằng những ví dụ cụ thể nhờ vào sự kết hợp của đồ vật, hình ảnh và công nghệ.

Dưới sự tương hỗ của các thiết bị công nghệ cao, những vật dụng vô tri vô giác như công cụ dẫn nước, bản đồ, maquette, ảnh, tài liệu viết tay trở nên sống động nhờ sự tương tác của âm thanh và hình ảnh. Lịch sử của nước được tái hiện trong một khung cảnh đặc biệt.

Bảo tàng hiện đại Aman sẽ khiến du khách đắm mình trong một chuyến tham quan dài để chiêm ngưỡng những thành tựu về nước của Maroc từ thời Almoravides (thế kỷ XI-XII) cho đến những công trình quy mô đương đại.

"Bảo tàng ra đời nhằm tôn vinh tài năng của người Maroc trong việc quản lý nước và giới thiệu những đặc điểm của nước trong tất cả các trạng thái", anh Jamal Britel, nhân viên thương mại của bảo tàng nhấn mạnh. Bảo tàng cũng nêu bật các khía cạnh xã hội và kỹ thuật trong việc quản lý nước của Maroc từ thủa sơ khai cho đến thời Quốc vương Mohamed VI, đặc biệt từ thời cố Quốc vương Hassan II, người đã có chính sách quản lý nước vẫn còn nguyên tính tiên phong trên thế giới cho đến ngày nay.

Aman, một dự án khác biệt trong thế giới bảo tàng đa dạng ở Maroc.


Cái nhìn từ quá khứ đến tương lai

Bảo tàng Mohamed VI về nền văn minh nước ở Maroc - bảo tàng hàng đầu ở Châu Phi - thực sự là một trung tâm lịch sử, khoa học, văn hóa và giáo dục.

Đây vừa là một nơi tôn vinh lịch sử với một cái nhìn trân trọng về quá khứ, những truyền thống và những "công nghệ" của quá khứ, vừa là nơi quy tụ những phát minh mang tính kỹ thuật và công nghệ hướng về tương lai.

Bảo tàng Aman còn là một trung tâm văn hóa có khuynh hướng gìn giữ những ký ức, phổ biến và lan tỏa di sản về nước của người Maroc như một biểu tượng mang tính toàn cầu về cách quản lý nước. "Đây thực sự là một nơi khuyến khích người dân Maroc tới để hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của dân tộc", anh Jamal Britel nói.

Về mặt sư phạm, bảo tàng lớn nhất về chủ đề nước ở Châu Phi mong muốn trở thành một trung tâm hướng dẫn với những công cụ giảng dạy hiện đại. "Chúng tôi có các phòng hội thảo dành cho các hoạt động giảng dạy từ cấp mẫu giáo tới đại học. Hiện nay chúng tôi đang đón tiếp rất nhiều lớp học. Chúng tôi muốn mời các trường trong vùng và, tất nhiên, tại sao không từ các nơi khác của Maroc và cả châu Phi nữa", anh nói.

Phải nói thêm rằng bảo tàng cũng tổ chức giao lưu với các trường trên thế giới, đặt biệt là châu Âu cho đến thời điểm này. "Chúng tôi cũng đón tiếp nhiều bạn trẻ đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Ý. Chúng tôi sẽ có 5 giáo trình giới thiệu tới các trường ngay từ năm học 2017-2018 này", anh Jamal Britel nhấn mạnh.

Bảo tàng đầu tiên được quản lý bởi một công ty tư nhân

Một cối xay nước được đặt trong bảo tàng.

Trải rộng trong một khuôn viên 5 ha, công trình bảo tàng nước Aman bao gồm hai khu: dự án công viên và tòa nhà bảo tàng. Khu công viên, tiếp nối khu vực bảo tàng, rộng 3 ha, sẽ là một mô hình hồi sinh của khu rừng cọ bao quanh bảo tàng. Khu tòa nhà bao gồm một hội trường, một quán cà phê, một thư viện cùng quầy lưu niệm và cuối cùng là khu trưng bày.

Với tổng vốn đầu tư 163 triệu dirham (tương đương gần 15 triệu euro), bảo tàng thế hệ mới này đã được xây dựng bởi Bộ Từ thiện và Hồi giáo Maroc.

Được thiết kế cầu kỳ và sáng tạo, Bảo tàng về nền văn minh nước là một tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt một cách tỉ mỉ, trong một khung cảnh đặc biệt, với sự kết hợp của âm thanh và ánh sáng một cách tinh xảo. Do đó, Bộ Hồi giáo Maroc không thể một mình quản lý hết được. Vì thế mà việc quản lý dự án đã được giao cho một công ty tư nhân của Maroc: Couleurs Com, một công ty chuyên về lĩnh vực văn hóa. Đây là điều chưa từng có tiền lệ ở Maroc.

Để quản lý tốt, chất lượng tham quan được ưu tiên tuyệt đối. "Thật lòng mà nói, chúng tôi không hướng đến mục đích kinh tế vì mục tiêu của chúng tôi là quảng bá nền văn hóa, văn minh nước ở Maroc, là làm cho bảo tảng có sức sống. Bởi vậy mà chúng tôi chỉ nhằm đến chỉ tiêu 200.000 lượt khách mỗi năm. Chúng tôi không muốn thấy quá nhiều người chen chúc trong bảo tàng", anh Jamal Britel chia sẻ.

Buổi sáng hôm đó, bảo tàng đón 90 sinh viên của một trường học. Họ đến tham quan và rời đi theo nhóm "một cách rất trật tự".

"Chúng tôi có một lịch trình để khách đến tham quan không phải dẫm chân nhau, ảnh hưởng đến khoảng không gian của mỗi người. Thêm nữa, mỗi tour tham quan đều kết thúc bằng một màn trình diễn âm thanh và ánh sáng, do đó không có cách nào khác là phải chia khách thành từng nhóm nhỏ để mọi người có thể tập trung theo dõi. Tất cả đều được sắp xếp một cách có tổ chức", anh giải thích.

"Mục đích là đảm bảo tuyệt đối chất lượng của mỗi chuyến tham quan và giữ bảo tàng ở trạng thái tốt nhất, để mỗi người tới đây đều hài lòng về chuyến tham quan của họ".

Bài, ảnh: Hồng Nga/CTV
Marrakech - một điểm đến hấp dẫn, một trải nghiệm thú vị
Marrakech - một điểm đến hấp dẫn, một trải nghiệm thú vị

Marrakech, thành phố đầu tàu của Maroc, là điểm du lịch hấp dẫn nhất Vương quốc Bắc Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN