Trong suốt lịch sử lâu đời, dù từng trải qua vô số thảm họa, nhưng Tokyo vẫn là nơi có nhiều công trình kiến trúc cũ và chúng đã được bảo vệ khỏi sự bào mòn của thời gian cũng như mối đe dọa luôn hiện hữu của động đất. Đây là kết quả của lịch sử bảo tồn bền bỉ và sự phối hợp đồng bộ không chỉ từ chính phủ trung ương đến chính quyền địa phương mà còn có cả công sức của người dân Tokyo.
Chùm 2 bài của phóng viên TTXVN tại Tokyo phản ánh rõ nét những nỗ lực bền bỉ bảo tồn di sản văn hóa ở thủ đô Nhật Bản.
Bài 1: Chiến lược phòng thủ văn hóa từ thời Minh Trị
Khi Nhật Bản nỗ lực để bắt kịp các cường quốc phương Tây về mặt ngoại giao và kinh tế, chính phủ cũng rất muốn đưa ra một hệ thống luật pháp nhằm ngăn chặn dòng chảy của các tài sản văn hóa ra khỏi đất nước. Đồng thời, thông qua việc giới thiệu, quảng bá phù hợp, Chính phủ Nhật Bản lúc đó muốn biến văn hóa truyền thống thành một thứ có thể đóng góp vào sức mạnh quốc gia và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Cuối thế kỷ XIX là thời điểm đầy thách thức đối với Nhật Bản về mặt văn hóa. Quốc gia này đã áp dụng chiến lược “bảo vệ văn hóa” để bảo vệ di sản truyền thống của mình khỏi sự cạnh tranh quốc tế.
Thuật ngữ “báu vật quốc gia” (kokuhō trong tiếng Nhật) lần đầu tiên được sử dụng vào thế kỷ XIX, giữa những cải cách hiện đại hóa do chính phủ của Thiên hoàng Minh Trị ban hành.
Trong một bài phát biểu vào tháng 1/1889, Tổng giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Hoàng gia (nay là Bảo tàng Quốc gia Tokyo), Ryūichi Kuki, là người lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “kokuhõ” để lập luận về tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật. Ông Kuki và nhiều chuyên gia về chính sách văn hóa, đã bị sốc trước phong trào bài trừ Phật giáo càn quét đất nước vào những năm đầu của thời đại Minh Trị (18–1912), dẫn đến việc phá hủy vô số kho tàng nghệ thuật Phật giáo. Họ muốn sửa chữa, khắc phục càng nhiều thiệt hại càng tốt, cũng như thiết lập một hệ thống mới để bảo vệ di sản văn hóa của đất nước theo cách mà họ cho là phù hợp với một nhà nước hiện đại.
Năm 1897, Luật Bảo tồn Đền thờ và Đền thờ cổ đã được thông qua, tạo tiền đề cho sự ra đời của Luật Bảo tồn Bảo vật quốc gia vào năm 1929. Điều này góp phần tăng cường bảo vệ văn hóa phù hợp với nhà nước hiện đại ở Nhật Bản.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những nỗ lực liên quan đến di sản bảo vệ dừng lại gần như hoàn toàn. Ngay lập tức sau khi kết thúc chiến tranh, các nỗ lực bảo vệ di sản dần hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những nỗ lực này vấp phải khó khăn lớn vì siêu lạm phát, thuế cao và Nhật Bản bại trận làm tổn thương tâm lý của người dân, cũng như công chúng trong cuộc sống khó khăn không còn hào hứng với việc bảo vệ truyền thống.
Năm 1949, một vụ cháy ở chùa Horyu-ji, ngôi chùa cổ nhất cấu trúc bằng gỗ ở Nhật Bản (hiện được đưa vào danh sách Di sản thế giới), đã khơi dậy một tình cảm dân tộc mạnh mẽ để bảo vệ văn hóa, dẫn đến việc ban hành Luật Bảo vệ tài sản văn hóa năm 1950.
Có những ý kiến nói rằng sau chiến tranh, hầu hết các bộ luật trong luật pháp Nhật Bản hiện đại đều được mô phỏng theo tiền lệ từ một trong các nước phương Tây, nhưng Luật Bảo vệ tài sản văn hóa lại được đánh giá là một ngoại lệ, vì các điều luật này được xây dựng từ từ bằng thử nghiệm và sai sót sau những cuộc điều tra công phu và chi tiết. Điều này rất quan trọng, bởi vì có nghĩa là Nhật Bản đã xây dựng nền tảng cho vị thế của mình như một cường quốc văn hóa bằng chính đôi tay của mình.
Theo luật này, chính phủ trung ương và chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản. Đồng thời, chủ sở hữu và người giám hộ được yêu cầu nỗ lực để bảo vệ di sản, trong khi người dân được yêu cầu hợp tác với chính quyền. Cần lưu ý rằng không giống như thời kỳ trước chiến tranh, khi chỉ chính phủ quốc gia mới có thể chỉ định di sản văn hóa, với luật mới, chính quyền địa phương cũng có thể chỉ định tài sản văn hóa riêng tại địa phương. Điều này góp phần vào dân chủ hóa trong việc xếp hạng di sản văn hóa. Tuy nhiên, do cấp địa phương hạn chế về nguồn lực tài chính nên chính phủ trung ương đóng vai trò chủ đạo trong bảo tồn di sản, cùng với sự gia tăng đóng góp của các bên liên quan khác.
Trong ba hạng mục được xác định là tài sản văn hóa có các công trình kiến trúc, có các tòa nhà, phố cổ… (tài sản văn hóa bất động) có giá trị lịch sử.
Theo Luật Bảo vệ tài sản văn hóa, chính phủ có thể chỉ định các địa điểm là di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sau khi được vào danh sách, các di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính và bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến hiện trạng của các địa điểm này đều phải được chính phủ đồng ý. Trong trường hợp cần thiết, chính phủ có thể cấm hoặc hạn chế những hành động đó. Ngoài ra, chính phủ có thể ra lệnh thành lập bất kỳ cơ sở cần thiết nào để bảo vệ các địa danh đã được chỉ định. Việc quản lý các di tích lịch sử có thể được giao cho chính quyền địa phương.
Năm 1992, Nhật Bản phê chuẩn Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và nhiều di sản văn hóa ở Nhật Bản đã được đưa vào Danh sách Di sản thế giới trong những năm tiếp theo. Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ không chỉ các khu di sản mà còn bảo vệ các vùng đệm xung quanh. Những tiến triển này cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các tài sản văn hóa và môi trường xung quanh các tài sản này.
Bài cuối: Hài hòa với phát triển đô thị hiện đại