Bất bình đẳng vaccine cản trở nỗ lực chống dịch của Ấn Độ

Các chuyên gia nhận định khoảng cách giàu nghèo, ngôn ngữ và công nghệ đang khoét sâu tình trạng bất bình đẳng vaccine, cản trở cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, khi dịch COVID-19 tấn công Ấn Độ, anh Sagar Kumar, người bảo vệ làm đêm, 25 tuổi, không ngừng suy nghĩ về việc tiêm vaccine cho mình và 5 thành viên trong gia đình trong bối cảnh thiếu vaccine nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi anh biết làm cách nào để được tiêm chủng, điều đó cũng sẽ không dễ dàng.

Người dân Ấn Độ phải đăng ký tiêm vaccine thông qua một trang web của chính phủ. Tuy nhiên, trang web này đều là tiếng anh, thứ ngôn ngữ mà Kumar và gần 90% người Ấn Độ không thể nói, đọc hoặc viết. Gia đình anh chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại thông minh được kết nối Internet.

Dù bang Uttar Pradesh, nơi Kumar sinh sống, tiêm miễn phí cho người dân dưới 45 tuổi, nhưng trong làng của anh không có bất kỳ điểm tiêm chủng nào, bệnh viện gần nhất thì cách đó 1 giờ đi xe. “Mọi thứ tôi có thể làm bây giờ là cầu nguyện những điều may mắn nhất sẽ đến với mình”, Kumar nói. 

Tại Ấn Độ, sự chênh lệch về tỉ lệ mắc bệnh giữa những người dân vốn đã rất nghiêm trọng, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng không bình đẳng như nhiều nơi khác trong xã hội. Giờ đây, khoảng cách giàu – nghèo, công nghệ lại càng khắc sâu sự bất bình đẳng đó, khiến hàng triệu người không có cơ hội được tiếp cận vaccine.

Đó cũng là mối lo ngại của các chuyên gia y tế. Họ cho rằng bất bình đẳng vaccine có thể cản trở cuộc chiến chống dịch vốn đã vô cùng khó khăn của Ấn Độ.

Ông Krishna Udayakumar, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke ở North Carolina, cho biết: “Bất bình đẳng vaccine có nguy cơ kéo dài đại dịch ở Ấn Độ. Dỡ bỏ rào rản đối với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất nên là ưu tiên hàng đầu của quốc gia".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AP

Ấn Độ đã bắt đầu triển khai tiêm chủng từ tháng 1, với mục tiêu chủng ngừa cho 300 triệu người trong tổng số gần 1,4 tỉ dân vào tháng 8. Nhưng cho đến nay, quốc gia này mới tiêm chủng đầy đủ cho trên 42 triệu người, tức chỉ 3% dân số.

Chính phủ đã không có đủ vaccine dữ trữ cho chiến dịch tiêm chủng. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô sản xuất vaccine còn chậm chạp. Sau đó, khi nước này ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm mới hàng ngày, chính phủ đã mở rộng tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành từ hôm 1/5.

Song điều đó càng khiến tình trạng thiếu hụt vaccine trở nên trầm trọng hơn.

Giữa những thách thức đó, Ấn Độ đã thay đổi chính sách về đối tượng có thể nhận vaccine và ai sẽ phải trả tiền cho việc tiêm chủng. Theo đó, chính phủ sẽ phân phối 50% số vaccine trong nước, trong khi các bang và bệnh viện tư có thể thoả thuận với các nhà sản xuất vaccine để mua nửa số mũi tiêm còn lại. Chính phủ cũng sẽ cung cấp các mũi tiêm miễn phí cho nhân viên tuyến đầu và những người trên 45 tuổi.

Họ cũng cho phép Viện Huyết thanh tự định giá bán vaccine cho chính quyền bang và bệnh viện tư nhân. Điều này đã tạo thêm gánh nặng cho việc tiêm chủng khi người dân thường được yêu cầu trả 20 USD/mũi tiêm.

Hầu hết người dân ở các bang giàu có đều được tiêm chủng do các bệnh viện tư nhân có xu hướng tập trung tại đây. Điều này khiến sự chênh lệch về tỉ lệ tiêm vaccine càng trở nên rõ rệt.

Trong khi thủ đô New Delhi đã tiêm mũi đầu tiên cho 20% cư dân của mình, thì bang Bihar, một trong những nơi nghèo nhất, mới chỉ tiêm cho khoảng 7,6% dân số. Những tiểu bang đang cung cấp vaccine miễn phí cũng không có đủ vaccine trong kho, cả vì sự thiếu hụt và việc cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Chú thích ảnh
Các nhà báo vừa được tiêm vaccine COVID-19 tại câu lạc bộ báo chí ở Gauhati, Ấn Độ. Ảnh: AP

Nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược tiêm chủng này là một sai lầm vì nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những người nghèo nhất trong xã hội.

“Tiêm chủng cho người dân là trách nhiệm của quốc gia của chính phủ. Họ cần phải tiêm phòng miễn phí cho tất cả mọi người. Không ai nên từ chối bất kỳ loại vaccine nào khi họ không đủ khả năng mua vaccine hoặc đăng ký tiêm chủng”, K Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng của Ấn Độ, nói.

Nhà kinh tế phát triển Jean Dreze cũng cho biết: “Sự chênh lệch vaccine không chỉ là vấn đề bất bình đẳng mà còn kém hiệu quả”.

Dreze cho biết, nếu mọi người mắc bệnh, họ sẽ không thể làm việc. Điều đó có thể đẩy nhiều người khác vào cảnh nghèo đói. Hiện nay, người nghèo đã phải nghỉ việc, bỏ tiền lương và phải đi một quãng đường rất xa để được tiêm chủng.

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tìm cách giải quyết một số lo ngại. Chính quyền cho biết trang web đăng ký tiêm vaccine sẽ sớm có sẵn tiếng Hindi và các ngôn ngữ địa phương khác. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng một nửa dân số không thể truy cập Internet, vì vậy giải pháp tốt hơn là đăng ký tiêm chủng cho tất cả mọi người.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông khuyết tật trên lề đường ở Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: AP

Chính phủ cũng cho biết sẽ nỗ lực giảm thiểu tình trạng thiếu vaccine, khẳng định sẽ có khoảng 2 tỷ liều có sẵn trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính phủ có thể khó đạt được mục tiêu đó.

Kavita Singh, 29 tuổi, thu nhập khoảng 250 USD/tháng khi làm giúp việc cho một gia đình tại một khu vực giàu có của thủ đô. Nhưng khi các ca mắc COVID-19 bắt đầu tăng vào tháng 4, cô đã mất việc. “Họ sợ tôi sẽ lây virus và bảo tôi chỉ được trở lại sau khi tôi được tiêm phòng”, Singh nói.

Không đủ khả năng chi trả cho một liều vaccine, vì vậy Singh và 3 con gái của mình đã trở về quê ở bang Bihar. Không có trung tâm tiêm chủng nào gần đó và Singh nói rằng cô không biết liệu mình có thể quay trở lại New Delhi hay không. “Chúng tôi dường như không thể xoay xở để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng tôi dùng số tiền đó để tiêm vaccine, chúng tôi sẽ ăn bằng gì?”, cô nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ tham gia tấn công khủng bố ở Indonesia
Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ tham gia tấn công khủng bố ở Indonesia

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các cuộc tấn công cực đoan tại Indonesia. Các nhà quan sát cho rằng tình trạng này phản ánh sự ảnh hưởng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN