Cả 2 ứng cử viên đều mặc trang phục truyền thống Indonesia tham dự chiến dịch tranh cử chính thức diễn ra ở trung tâm thủ đô Jakarta. Tại đây, hai ứng cử viên đều cam kết tham gia cuộc đua tranh chức tổng thống một cách hòa bình và minh bạch.
Theo giới phân tích, chiến dịch tranh cử nhiều khả năng sẽ tập trung vào một số vấn đề nổi bật trong đó có kinh tế, tình trạng bất bình đẳng và nền chính trị bản sắc.
Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Widodo đã quyết định chọn ông Ma'ruf Amin, người đứng đầu hội đồng Ulema - cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất của Indonesia làm liên danh tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Cặp liên danh tranh cử này sẽ chạy đua cùng cựu tướng lĩnh quân đội Prabowo và cựu phó thị trưởng Jakarta, đồng thời là một doanh nhân, Sandiaga Uno.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Widodo đang giành nhiều lợi thế trước đối thủ Subianto trong cuộc đua tranh chức tổng thống sắp tới.
Theo kết quả thăm dò dư luận do Indonesian Survey Circle (LSI) tiến hành sau khi tiến trình đăng ký ứng cử viên kết thúc, tỷ lệ ủng hộ cặp liên danh tranh cử Widodo và Amin là 52%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 30% mà cặp liên danh Prabowo và Uno giành được.
Tuy nhiên, nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Widodo đang đối mặt với nhiều thách thức do giá trị đồng rupiah hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua cũng như quan ngại về tin giả có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Nhà phân tích chính trị Syamsuddin Haris thuộc Viện Khoa học Indonesia cho rằng phe đối lập sẽ sử dụng các vấn đề kinh tế để công kích ông Widodo trong chiến dịch tranh cử, trong đó có nợ nước ngoài cũng như việc nước ngoài đang kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Dự kiến khoảng 186 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử vào ngày 17/4 tới để bầu tổng thống, quốc hội và hội đồng địa phương.
Trước đó, trong cuộc bầu cử hồi năm 2014, ông Prabowo từng bị thất bại trước Tổng thống Widodo.