Bắt đầu phá dỡ chiến lũy tại thủ đô Ukraine

Thị trưởng thủ đô Kiev của Ukraine, ông Volodymyr Makeenko, cho biết các chiến lũy do người biểu tình dựng lên xung quanh quảng trường Độc lập tại trung tâm Kiev sẽ bắt đầu được phá dỡ từ ngày hôm nay.

Ông Makeenko nói: "Từ ngày 24/2 sẽ bắt đầu dọn dẹp Kiev và phá bỏ các chiến lũy. Và tất nhiên điều này phải được thương lượng trực tiếp với những công dân đã dựng lên chúng. Từng bước chúng tôi sẽ loại bỏ, đã đến lúc phải thu dọn. Kiev đang hoạt động, không có bất cứ sai sót nào trong vận tải, công cộng, hay an ninh lương thực".

Một phóng viên Nga ngày 23/2 cho biết nhiều người Kiev đã tới các con phố trung tâm thủ đô để dọn dẹp rác tích tụ trong những tháng qua.

Hàng ngàn người tập trung tại quảng trường Độc lập ngày 23/2. Ảnh: AFP-TTXVN


Cùng ngày, quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchinov nói rằng nước này sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Nga nhưng khẳng định Kiev sẽ ưu tiên quay trở lại con đường hội nhập châu Âu.

Trong bài phát biểu trước toàn quốc, ông Turchinov đã nêu lên những nhiệm vụ hết sức khó khăn mà ban lãnh đạo mới của Ukraine đang đối mặt sau khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich sụp đổ, trong đó có việc bình ổn nền kinh tế mà theo ông đang gần phá sản và “tiến đến bờ vực thẳm”.

Ông nói: “Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng trong mối quan hệ với Liên bang Nga và sẵn sàng đối thoại với ban lãnh đạo Nga nhằm xây dựng các mối quan hệ với nước này trên một cơ sở mới, thực sự công bằng và láng giềng hữu nghị… có tính đến sự lựa chọn châu Âu của Ukraine. Nhưng một ưu tiên khác là quay trở lại con đường hội nhập châu Âu. Chúng ta phải trở lại với đại gia đình các quốc gia châu Âu”. Ông hy vọng sự lựa chọn châu Âu của Ukraine sẽ được xác nhận trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới.

Ông Turchinov nhận định, nền kinh tế Ukraine đang trong tình trạng hết sức khốn đốn và nhấn mạnh rằng phục hồi kinh tế là một nhiệm vụ chủ chốt.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề Ukraine, trong cuộc điện đàm ngày 23/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí phải đảm bảo “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine và nước này cần gấp một chính phủ có thể hoạt động.

Phát ngôn viên Steffen Seibert của Thủ tướng Đức nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh mong muốn chung là đảm bảo sự ổn định ở Ukraine, cả về kinh tế lẫn chính trị… Hai bên nhất trí rằng Ukraine phải nhanh chóng thành lập một chính phủ có thể vận hành và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này phải được đảm bảo”. Ngoài ra, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga cũng nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ với nhau.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thì khẳng định không ai muốn chứng kiến đất nước Ukraine bị chia cắt đồng thời kêu gọi bình tĩnh. Phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" trên kênh NBC, bà Rice nhấn mạnh: “Ukraine, Nga, châu Âu hay Mỹ đều không muốn chứng kiến Ukraine bị chia cắt. Không ai muốn bạo lực tái diễn và tình hình leo thang”. Bà đồng thời cảnh báo sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng” nếu Nga điều các lực lượng quân sự sang Ukraine để khôi phục một chính phủ thân với Moskva hơn.

Cũng trong ngày 23/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói với người đồng cấp John Kerry của Mỹ rằng các lực lượng chống đối Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã không tuân thủ thỏa thuận hòa bình mà họ ký kết hôm 21/2 và đã tiếm quyền.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc điện đàm thứ 2 trong 2 ngày với Ngoại trưởng Kerry, ông Lavrov nhấn mạnh “điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo việc thực thi đầy đủ” thỏa thuận mà 3 quan chức ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Theo ông, phe đối lập Ukraine đang xa rời thỏa thuận này và trên thực tế đã tiếm quyền ở Kiev, từ chối giải giáp vũ khí và tiếp tục đánh cược vào bạo lực.

Bộ trên cho hay ông Lavrov đã lưu ý rằng thỏa thuận trên mang chữ ký của các đại diện của một số nước phương Tây trong khi Mỹ đã chính thức hoan nghênh việc ký kết văn kiện này.

Một ngày sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị phế truất, ngày 23/2, Nga đã triệu hồi đại sứ nước này tại Ukraine về nước để tham vấn về “tình hình đang xấu đi” ở Kiev.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với các hành động của Quốc hội Ukraine, ca ngợi đó là con đường “hứa hẹn” nhất tiến tới khôi phục nền hòa bình tại nước này. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng các cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Ukraine mở ra “con đường tốt nhất và hứa hẹn nhất tiến tới” việc nhanh chóng khôi phục hòa bình và ổn định ở Ukraine, cũng như đối phó với các thách thức tài chính cấp bách ở nước này trong thời gian tới.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Lavrov, ông Kerry bày tỏ hy vọng Nga sẽ cùng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giúp Ukraine “sang trang, trở nên vững mạnh hơn và đoàn kết sau khủng hoảng, đồng thời tiến lên thông qua các cuộc bầu cử mới cũng như những cải cách hết sức cần thiết”. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không để xảy ra bạo lực và tôn trọng các thiết chế dân chủ của Ukraine, nhấn mạnh Chính phủ Mỹ hy vọng tất cả các nước sẽ tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự do lựa chọn dân chủ của Ukraine.


T.N


Bà Tymoshenko sẽ tranh cử tổng thống Ukraine
Bà Tymoshenko sẽ tranh cử tổng thống Ukraine

Phát biểu tại Quảng trưởng Độc lập ở thủ đô Kiev, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko, thủ lĩnh đối lập vừa được trả tự do hôm 22/2, đã thông báo về kế hoạch trở lại làm việc trong thời gian gần nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN