Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ tại New York (Mỹ) ngày 15/12/2017. Ảnh: UPI/YONHAP/TTXVN |
Chủ tịch ĐHĐ nêu rõ: "HĐBA đã được thành lập cách đây hơn 70 năm và từ đó đến nay thế giới đã thay đổi quá nhiều. Trong suốt các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm qua, không ai đặt câu hỏi về sự cần thiết phải cải tổ, và đó chính là lý do chúng ta cần có một tiến trình đáng tin cậy để hướng tới một kết quả thực chất".
Mặc dù cộng đồng quốc tế nhất trí rằng HĐBA LHQ gồm 15 nước thành viên cần phải được cơ cấu lại từ thể thức hiện nay gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu nhiệm kỳ hai năm, song các quốc gia có những quan điểm khác nhau về cách thức xúc tiến cuộc. Nhóm G4 (gồm Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và Brazil) muốn có ghế thường trực trong HĐBA trong khi những nhóm khác, chẳng hạn như Nhóm Đoàn kết để đồng thuận, muốn mở rộng số thành viên không thường trực.
G4 đang kêu gọi các nước thành viên LHQ nhất trí được một văn bản có thể được dùng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Song cho tới nay, một văn bản như vậy xem ra vẫn còn xa vời. Thay mặt G4, Đại sứ Đức Christoph Heusgen nói: "Chúng ta cần đưa ra một văn bản có thể đàm phán được, một văn bản bao hàm một cách thỏa đáng mọi quan điểm đã được bày tỏ".
Trong khi đó, Italy và một số quốc gia như Pakistan và Hàn Quốc trong Nhóm Đoàn kết để đồng thuận lại phản đối ý tưởng của G4. Phát biểu thay mặt nhóm, Đại sứ Italy Sebastiano Cardi nhấn mạnh "không thể có những lối đi tắt về mặt thủ tục trong tiến trình cải tổ LHQ". Đại sứ Italy nêu rõ: "Đây là một trong những lý do chính rút ra được từ hơn 3 năm nỗ lực tập thể: những cách tiếp cận phi đồng thuận đã chứng tỏ là phản tác dụng và cản trở tiến trình cải cách".
Năm ngoái, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Lajcak đã chỉ định Đại sứ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất Lana Zaki Nusseibeh và Đại sứ Gruzia Kaha Imnadze chủ trì các cuộc thảo luận về cải tổ HĐBA LHQ, song đến ngày 1/2 hai vị chủ tọa này mới tổ chức được phiên họp đầu tiên và là họp kín.