Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Khazakhstan cho biết các cuộc đàm phán diễn ra giữa các phái đoàn của 3 nước đóng vai trò trung gian hòa giải trên với đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập tại nước này. Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria Staffan de Mistura cũng tham dự đàm phán. Đây sẽ là lần họp cuối cùng của ông Mistura về cuộc xung đột tại Syria trên cương vị này.
Theo kế hoạch, ngoài các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm làm dịu cuộc xung đột tại tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, các bên tham gia vòng đàm phán sẽ tập trung thảo luận về tạo điều kiện để người tị nạn và người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn được trở về quê nhà cũng như các hoạt động tái thiết thời hậu xung đột.
Cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại Syria. Ngoài các nỗ lực do LHQ đứng đầu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã tham gia tích cực vào tiến trình hòa bình Syria với nhiều vòng đàm phán ở thủ đô Astana của Kazakhstan. Các cuộc đàm phán này đã trở thành nền tảng hiệu quả nhất nhằm hướng tới chấm dứt xung đột và mang lại nền hòa bình lâu dài cho đất nước Syria.
Đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại Tehran nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng tại Syria. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp, lãnh đạo ba nước cho biết đã thảo luận về tình hình tại khu vực giảm leo thang căng thẳng Idlib và đã quyết định giải quyết vấn đề này phù hợp với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana. Các bên nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria.
Hồi đầu năm nay, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã diễn ra tại thành phố Sochi của Nga với sự tham dự của đại diện nhiều phe phái tại Syria cùng hơn 50 quan sát viên, nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Một trong các kết quả đáng ghi nhận là đại hội này đã thông qua danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp (gọi tắt là Ủy ban Hiến pháp), gồm khoảng 45-50 thành viên đại diện của Chính phủ Syria cũng như phe đối lập, có nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria. Sự ra đời của ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do LHQ bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 360.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người phải chạy sang nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong tình cảnh rất khó khăn và nguy hiểm.