Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng phía Ukraine nên lấy đà tiến trên chiến trường hiện nay để phục vụ đàm phán hòa bình. Trái lại, nhiều cố vấn thân cận cho Tổng thống Joe Biden lại cho rằng còn quá sớm để làm điều này.
Tờ New York Times ngày (NYT) ngày 11/11 dẫn lời giới quan chức thạo tin cho biết trong các cuộc thảo luận nội bộ tại Nhà Trắng, Tướng Milley nhìn nhận những bước tiến trên chiến trường đã ở ngưỡng như kỳ vọng mà Ukraine đặt ra trước thời điểm mùa đông. Ông cho rằng Ukraine cần gắn đà tiến này với đàm phán.
Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao khác đã bác bỏ ý tưởng trên. Số này cho rằng cả Ukraine và Nga hiện đều chưa sẵn sàng cho đàm phán và bất kỳ một động thái ngừng giao tranh nào sẽ chỉ giúp phía Nga có thêm cơ hội tập hợp, củng cố lại lực lượng.
Giới cố vấn của Tổng thống Biden nhìn nhận xung đột Nga - Ukraine sau cùng cũng sẽ được giải quyết qua đàm phán, nhưng đây chưa phải là thời điểm chín muồi, không nên tạo ra dư luận, cách nhìn về việc Mỹ thúc ép Ukraine ngừng giao tranh tại thời điểm Kiev có được đà tiến trên chiến trường.
Trong bình luận mang tính cá nhân, Tướng Milley đã đề cập đến việc cần nắm lấy thời cơ. “Chúng ta đã thấy Ukraine giao tranh nhùng nhằng với Nga ra sao. Thật khó để nói tương lai phía trước sẽ như thế nào. Nhưng chúng tôi cho rằng ở đây có cánh cửa cho một vài giải pháp ngoại giao”. Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nêu quan điểm trong bài trả lời phỏng vấn với hãng tin CNBC ngày 10/11.
Tuy nhiên, Nhà Trắng thể hiện rõ quan điểm Mỹ không muốn bị nhìn nhận là bên đang tìm cách thúc ép Tổng thống Volodymyr Zelensky chấp nhận đánh đổi lãnh thổ ngay cả khi Moskva lệnh rút quân khỏi thành phố chiến lược Kherson.
“Mỹ không thúc ép Ukraine. Những gì chúng tôi đang làm chỉ là tham vấn dưới góc độ là đối tác của Kiev và thể hiện ủng hộ của Mỹ, sự ủng hộ không chỉ dừng ở tuyên bố công khai, ủng hộ tinh thần, mà còn là trợ giúp hữu hình, thực chất như viện trợ quân sự mà tôi đã đề cập trước đây”, ông Jake Sullivan - Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngày 10/11.
Trên thực tế, Lầu Năm góc cùng ngày đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống phòng không và tên lửa đất đối không. Giới chức Mỹ xác nhận gói viện trợ quân sự mới của Mỹ bao gồm 4 tổ hợp phòng không tầm thấp và có khả năng cơ động cao Avenger, cũng như các tên lửa Stinger dùng cho 4 tổ hợp này. Đây là lần đầu tiên Washington cung cấp cho Kiev hệ thống phòng không Avenger.
Ngoài ra, gói viện trợ lần này còn có tên lửa dành cho các tổ hợp phòng không HAWK mà Tây Ban Nha trước đó đã chấp thuận cung cấp cho Ukraine, cùng với đạn pháo và đạn cối, rocket dành cho các hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), súng cối…
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bác đề nghị của Ukraine về viện trợ máy bay không người lái MQ-1C, vũ khí mà giới chức Mỹ lo ngại Ukraine có thể sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, gây ra tình thế leo thang chiến sự nguy hiểm.
Chuyến công du tới Kiev của ông Sullivan hồi tuần trước tạo ra ấn tượng về kịch bản chính quyền Tổng thống Biden đang thúc ép ông Zelensky ít nhất cũng phải thể hiện rõ thiện chí đàm phán. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã bác bỏ điều này. Họ cho rằng cuộc gặp giữa ông Sullivan với giới lãnh đạo, quan chức Ukraine chủ yếu đề cập đến các khía cạnh khác liên quan đến cuộc chiến.
Theo một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức, sắc thái trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã mai một nhiều. Không thúc ép Ukraine đàm phán ở thời điểm hiện nay, nhưng Mỹ muốn chuẩn bị cho giải pháp ngoại giao ở một thời điểm nào đó trong tương lai mà Nhà Trắng cho là phù hợp.