Hãng tin Reuters dẫn lời một bộ trưởng Sri Lanka nói rằng, trong bối cảnh đang có xích mích với Tổng thống, Thủ tướng nước này đã không được thông tin về báo cáo cảnh báo nguy cơ bị tấn công.
Một ngày sau khi vụ đánh bom liều chết trong Lễ Phục sinh nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang tại thủ đô Colombo khiến 310 người thiệt mạng và gần 500 người khác bị thương, Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Rajith Senaratne cho biết Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã không nhận được báo cáo về lời cảnh cáo tấn công hôm 11/4.
Cảnh sát đã nhận được thông tin cảnh báo một nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước sẽ tiến hành tấn công nhắm vào nhà thờ. Tuy nhiên, thông tin tình báo này đã không được gửi tới Thủ tướng Wickremesinghe. “Khi được hỏi về báo cáo tình báo, Thủ tướng trả lời không được thông tin gì”, Bộ trưởng Senaratne khẳng định.
Cũng không rõ liệu Tổng thống Maithripala Sirisena có được thông báo về lời khuyến cáo này hay không. Thông thường, Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ giữ vai trò báo cáo các thông tin tình báo cho Tổng thống, trong khi Thủ tướng nước này từ năm ngoái đã không được mời tới dự các cuộc họp báo cáo của hội đồng do mâu thuẫn với Tổng thống.
Khi xảy ra loạt vụ đánh bom, Tổng thống Sri Lanka không có ở trong nước. Văn phòng của ông từ chối bình luận về vụ việc.
“Với tư cách một người làm trong chính quyền, chúng tôi phải nói rất rất đáng tiếc và chúng tôi gửi lời xin lỗi tới những gia đình có người thân mất mát trong vụ việc này”, Bộ trưởng Senaratne bày tỏ.
Tháng 10/2018, Tổng thống Sirisena sa thải Thủ tướng Wickremesinghe vì có sự khác biệt về quan điểm chính trị, song chỉ vài tuần sau đó, lệnh này đã được thu hồi dưới sức ép từ Tòa án Tối cao. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ của hai nhà lãnh đạo vẫn chưa được cải thiện và sự khác biệt trong quan điểm của họ dẫn tới nhiều lần những quyết định quan trọng cho đất nước bị trì hoãn.
Cùng ngày xảy ra 8 vụ đánh bom đẫm máu, trong khi Tổng thống có chuyến công du nước ngoài, Thủ tướng Wickremesinghe ra lệnh mở một cuộc họp Hội đồng an ninh khẩn cấp song các thành viên đã không xuất hiện.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta được chứng kiến Hội đồng An ninh từ chối đến họp với sự tham dự của Thủ tướng”, Bộ trưởng Senaratne cho biết.
Một ngày sau khi xảy ra thảm kịch, Tổng thống Sirisena về nước và tổ chức một cuộc họp Hội đồng An ninh. Thủ tướng Wickremesinghe cũng đã tham dự cuộc họp đó. Đây là lần tham gia đầu tiên của ông tại một cuộc họp an ninh sau khi xảy ra khủng hoảng chính trị năm ngoái.
Đề cập đến thủ phạm gây ra vụ đánh bom, Bộ trưởng Senaratne cho biết lực lượng an ninh đã đột kích các cơ sở huấn luyện của tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên gọi National Thowheed Jamath. Chính quyền nước này cũng tin rằng có mạng lưới liên kết nước ngoài trong vụ tấn công lần này.
“Chúng tôi không nghĩ một tổ chức nhỏ có thể làm được mọi chuyện. Chúng tôi hiện điều tra xem có bất kỳ sự hỗ trợ quốc tế nào không và mối liên kết giữa chúng – phương thức chúng chế tạo các thiết bị kích nổ và bom như này”, Bộ trưởng Senaratne khẳng định.