Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nguy cơ lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị, sau khi Cơ quan đấu tranh chống tội phạm tài chính nước này mở chiến dịch chống tham nhũng, liền sau đó là việc từ chức của các bộ trưởng và cải tổ Nội các.Diễn biến vụ việc và phản ứng của các bênBiểu tình phản đối tham nhũng ở quận Kadikoy, Istanbul ngày 25/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sáng sớm 17/12, 300 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành bắt giữ 50 nhân vật bị tình nghi dính dáng đến các cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ. Đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất ở nước này; trong số các nghi can có cả con trai của 3 vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế và Bộ Môi trường & Xây dựng Đô thị. Chiến dịch này do Cơ quan an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đảm trách, được giữ tuyệt đối bí mật.
Ngày 22/12, Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan quyết định sa thải 25 quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có cảnh sát trưởng thành phố Istanbul và hàng chục nhân viên cảnh sát khác - một động thái được phe đối lập trong nước nhìn nhận là hành động “trả đũa” và để ngăn cản tiến trình điều tra của cơ quan chống tham nhũng.
Ngày 25/12, Thủ tướng Erdogan công bố cải tổ Nội các quan trọng, với sự thay đổi nhân sự ở 10 bộ, ngành sau khi 3 bộ trưởng nêu trên đệ đơn từ chức do cáo buộc tham nhũng. Đáng chú ý, ngay sau khi từ chức, Bộ trưởng Môi trường & Xây dựng Đô thị Bayraktar công khai bày tỏ, tất cả những thay đổi trong các dự án xây dựng thuộc diện điều tra đều được Thủ tướng Erdogan thông qua. Ông này còn tuyên bố, “tôi từ chức vì sự thịnh vượng của đất nước và dân tộc, và tôi nghĩ là Thủ tướng cũng nên từ chức”.
Việc thay đổi Nội các vẫn chưa làm các đảng phái đối lập hài lòng. Chủ tịch Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) Kemal Kilicdaroglu cho rằng cách hành xử như vậy là quá chậm và chưa đủ, cần phải tăng sức ép buộc Bộ trưởng EU từ chức vì tội tham nhũng. Hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã tiến hành các cuộc biểu tình ở Ankara, Istanbul, Izmir và 7 thành phố khác đòi Thủ tướng Erdogan từ nhiệm. Người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu “3 bộ trưởng là chưa đủ, toàn thể Nội các phải từ chức”, “tham nhũng mọi nơi” và “phản kháng khắp nơi”.
Sự dính líu của Mỹ?Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Francis Ricciardone (tóc trắng) trong một lần phát biểu trước truyền thông ở Ankara. Ảnh: Reuters |
Ngay từ khi vụ điều tra tham nhũng nổ ra, giới lãnh đạo cầm quyền, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại lên tiếng chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là Mỹ và phương Tây. Thủ tướng Erdogan tuyên bố, vụ việc này là âm mưu chống lại chính phủ của các thế lực bên ngoài với các phần tử “tay sai” trong nước. Lời cáo buộc này được cho là nhằm trực diện vào Mỹ và cá nhân Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Francis J. Ricciardone. Phát biểu trước báo giới, ông Erdogan nói: “Hãy nhìn những gì xảy ra những ngày qua. Đã có một số vị đại sứ can dự vào các hành động khiêu khích. Tôi đã nói thẳng với họ rằng, hãy làm công việc của các ông đi. Nếu vượt quá giới hạn nhiệm vụ, tức là các ông đã không làm tròn trách nhiệm với chính quyền nước các ông. Chúng tôi không buộc phải giữ các ông ở lại Thổ Nhĩ Kỳ”. Phó Chủ tịch đảng Phát triển và Công lý cầm quyền (AKP) thì chỉ trích thẳng: “Tôi muốn nhắc nhở ông ta (Ricciardone) rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước thuộc địa và ông ấy không thể hành xử theo kiểu như một thống đốc thực dân. Đất nước chúng tôi không thể bị hủy hoại bởi những âm mưu và những toan tính từ bên ngoài”.
Các tờ báo tại Thổ Nhĩ Kỳ như Dailies Sabah, Yeni Safak... dẫn lời Abdullah Değer, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Ankara cho biết, nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã nói với ông rằng họ đang tiến hành một chiến dịch vận động chống chính phủ cầm quyền; yêu cầu sự tham gia của Hiệp hội. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn phát biểu của Đại sứ Mỹ Ricciardone trong các cuộc tiếp xúc với đồng cấp EU tại Ankara, với nội dung: “Chúng tôi đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ cần chấm dứt quan hệ với Iran. Họ đã không lắng nghe. Rồi các ông sẽ thấy sự sụp đổ của một đế chế”.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 24/12 phát biểu: Những cáo buộc liên tiếp, vô căn cứ của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Đại sứ Francis Ricciardone, quan chức cấp cao Mỹ, đại diện truyền thông quốc tế ở Ankara là “rất đáng lo ngại”. Đại sứ Ricciardone chối bỏ trách nhiệm liên đới, nói rằng thông tin về cuộc gặp giữa ông và các đại sứ EU là sai lệch, vì “không có một cuộc gặp nào như vậy”. Đại sứ Mỹ còn nói thêm rằng, “không ai được phép làm hủy hoại quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ với các cáo buộc vô căn cứ... Quan hệ hợp tác hữu nghị này đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên” - lời phát biểu được cho là nhằm thẳng vào Thủ tướng Erdogan.
Cáo buộc tham nhũng tràn lan trong chính phủ đã đẩy thủ tướng Erdogan vào thời khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông. Nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ankara và Washington có dấu hiệu rạn nứt. Các nguồn tin ngoại giao phương Tây nói rằng, sự kiên nhẫn của Nhà Trắng đối với ông Erdogan đang dần tới giới hạn chót. Washington không hài lòng với nhiều hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là việc Ankara phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ, vẫn mua dầu từ Iran và tiến hành trả bằng vàng qua ngân hàng Nhà nước Halkbank. Các đây ít tháng, chính quyền của Thủ tướng Erdogan cũng làm phương Tây “bẽ mặt” với tuyên bố sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc trị giá hơn 3,4 tỉ USD, bỏ qua các nhà thầu của Mỹ và EU.
HT (Tổng hợp)