Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sự kiện kéo dài một ngày này do Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Mohsen Paknejad chủ trì có sự tham dự của Tổng thư ký GECF Mohamed Hamel và các bộ trưởng, thứ trưởng cùng quan chức cấp cao từ các bộ dầu khí của các quốc gia thành viên GECF.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Paknejad cho biết hội nghị tạo cơ hội thuận lợi để trao đổi ý tưởng và tham vấn giữa các nước thành viên GECF và các quan sát viên. Ông cũng cảnh báo rằng căng thẳng và các mối đe dọa ở khu vực Tây Á, bao gồm cả ở Dải Gaza, Liban và Syria, làm suy yếu sự ổn định của khu vực và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng toàn cầu.
Hãng tin Shana trực thuộc Bộ Dầu mỏ Iran dẫn phát biểu của ông Hamel tuyên bố rằng kể từ khi diễn đàn GECF được thành lập vào năm 2001, nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu đã tăng 70%. Ông nói thêm GECF dự đoán rằng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ tăng 34% vào năm 2050.
GECF có 12 thành viên chính thức, bao gồm Algeria, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích Đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad và Tobago, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Venezuela.
Theo IRNA, trong số 8 quốc gia quan sát viên của GECF, Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 26 tại Tehran có 5 nước quan sát viên tham dự gồm Azerbaijan, Iraq, Mauritania, Senegal và Mozambique.
Theo báo cáo được công bố trên trang web của GECF, các thành viên của tổ chức này cùng nhau kiểm soát 69% trữ lượng khí đốt của thế giới, 39% sản lượng được đưa ra thị trường, 40% lượng khí đốt xuất khẩu toàn cầu và 51% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu.