Ông Nick Timothy (phải) và bà Fiona Hill (trái) tới cuộc họp ở Birmingham, Anh ngày 5/10/2016. EPA/TTXVN |
Ông Nick Timothy, Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng May, thông báo trên trang mạng của đảng Bảo thủ rằng ông đã rời khỏi cương vị này hôm 9/6. Theo đó, ông Timothy tự nhận ông có một phần trách nhiệm trong thất bại của đảng Bảo thủ do đã quyết định không đưa vào cương lĩnh tranh cử của đảng các cam kết đáp ứng nhu cầu chăm sóc xã hội của người dân.
Trong khi đó, hãng tin BBC (Anh) đưa tin bà Fiona Hill, đồng Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng May, cũng đã đệ đơn từ chức.
Kết quả bầu cử cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Anh vẫn là chủ đề nóng tại châu Âu. Theo phóng viên TTXVN tại Rome, giới chính trị gia, các học giả và báo chí Italy đã có nhiều bình luận về kết quả cuộc bầu cử này.
Mặc dù Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni chưa có phản ứng ngay lập tức, nhưng người tiền nhiệm của ông là cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã có những phát biểu đề cập thành công bất ngờ của nhà lãnh đạo Công đảng cánh tả Jeremy Corbyn. Theo ông Renzi, Công đảng Anh đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Điều này chắc chắn sẽ mở ra một cuộc tranh luận trong phe cánh tả của châu Âu, giữa những người cho rằng thành công của Công đảng là nhờ vào nhà lãnh đạo Corbyn và số khác cho rằng một ứng cử viên trung dung hơn của Công đảng có lẽ sẽ đem lại thắng lợi lớn hơn.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta đánh giá kết quả bầu cử ở Anh chứng tỏ sự khôn khéo chính trị và nỗ lực "được ăn cả ngả về không” đã không thành công, ám chỉ quyết định của Thủ tướng Anh Theresa May tổ chức bầu cử trước thời hạn nhằm gia tăng sự ủng hộ của đa số đối với bà trước khi diễn ra các cuộc đàm phán đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Theo ông Letta, kết quả bầu cử ở Anh sẽ khiến EU có vị thế “mạnh hơn” trong các cuộc đàm phán Brexit.
Nhật báo Italy Il Sole 24 Ore (Mặt trời 24 giờ) đăng bài viết với nhan đề “Bà Theresa May thua cuộc, tiến trình Brexit ngày càng hỗn loạn”. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani, cũng là một chính trị gia Italy, cho rằng cuộc bầu cử này có thể mở đường cho một chính phủ Anh yếu kém và khiến các cuộc đàm phán Brexit trở nên khó khăn hơn.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến kết quả bầu cử vừa qua ở Anh, một số nhà phân tích Italy cho rằng vấn đề Brexit và mối đe dọa khủng bố đã không đóng vai trò mang tính quyết định trong việc định hướng lá phiếu của cử tri Anh. Nhà phân tích Antonio Villafranca thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Italy nhận định chính các vấn đề phúc lợi xã hội, nền kinh tế, lương hưu và y tế mới tác động nhiều đến sự lựa chọn chính trị của cử tri Anh, còn vấn đề Brexit chỉ đóng vai trò làm nền tảng. Trong thời gian vận động tranh cử, Thủ tướng May đã sử dụng chủ đề Brexit để thuyết phục cử tri về sự cần thiết phải có một chính phủ mạnh, một quốc hội đoàn kết để đối phó với EU. Nhưng các vấn đề trong nước đã nổi lên và chiếm ưu thế khiến bà May rơi vào khó khăn.
Nhà phân tích Riccardo Alcaro thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (IAI) đóng tại Rome tán thành quan điểm trên. Ông Alcaro cho rằng các vấn đề truyền thống như công bằng xã hội, nền kinh tế, thuế v.v.. là những yếu tố quyết định lá phiếu của cử tri Anh.