Kết quả cuối cùng, được Bộ Nội vụ Italy công bố ngày 27/9, cho thấy liên minh cực hữu (gồm FdI, đảng Liên đoàn và đảng Forza Italia) đã giành được 43,8% số phiếu. Với số phiếu bầu bổ sung từ các cử tri Italy ở nước ngoài và ở 2 khu vực độc lập, liên minh trung hữu giành được 237/400 ghế tại Hạ viện và 112/200 ghế tại Thượng viện, một đa số rõ rệt, nhưng không phải là đa số áp đảo 2/3 như kỳ vọng.
Liên minh trung tả, do đảng Dân chủ (PD) lãnh đạo, giành được 26% phiếu bầu, sẽ có 84 nghị sĩ tại Hạ viện và 42 Thượng nghị sĩ. Với 15,5% phiếu bầu, đảng Phong trào 5 Sao (M5S) sẽ có 52 nghị sỹ ở Hạ viện và 28 nghị sỹ ở Thượng viện. Liên minh trung dung, gồm đảng Azione của cựu Bộ trưởng Công nghiệp Carlo Calenda và đảng Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, giành được 7,7% phiếu bầu và sẽ có 21 thành viên Hạ viện và 9 Thượng nghị sỹ.
Với tư cách là nhà lãnh đạo của đảng lớn nhất trong liên minh chiến thắng, bà Meloni hiện có nhiều khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy, mặc dù quá trình thành lập chính phủ mới dự kiến sẽ mất nhiều tuần.
Chính trường Italy vốn luôn biến động với gần 70 chính phủ kể từ năm 1946, với mỗi chính phủ chỉ tồn tại trung bình khoảng 18 tháng. Kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2018 đến nay đã có 3 chính phủ khác nhau lãnh đạo Italy.