Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich ngày 2/5/2012 đã thông báo từ bỏ cuộc chạy đua chiếc ghế tổng thống Mỹ năm 2012 vì mắc nợ 4,3 triệu USD, dù đã chi 21 triệu USD với mức trung bình 24 USD cho mỗi lá phiếu ủng hộ của cử tri.
Hạ nghị sĩ Ron Paul ngày 14/5 tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không tiếp tục chi phí nguồn lực vào 11 cuộc bầu cử sơ bộ còn lại bởi lẽ làm việc đó với hy vọng chiến thắng sẽ tốn phí hàng chục triệu USD mà chúng tôi đơn giản là không có nó”.
Hàng loạt chính khách khác trước đó cũng đã phải bỏ dở cuộc đua chủ yếu do không quyên góp được đủ tiền. Tham vọng nhưng phải có tiền, đó là những gì từng diễn ra và đang diễn ra trong các kỳ bầu cử Mỹ.
Áp phích quảng cáo tranh cử của ông Obama và ông Romney. |
Với cuộc chạy đua chiếc ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng đến nay chỉ còn chưa đầy 4 tháng, hai ứng cử viên còn lại là đương kim Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ và đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney đang đua nhau dốc hầu bao, nhất là tại các bang dao động nhằm giành giật từng lá phiếu của những cử tri còn đang trong tâm trạng do dự.
Kết quả thăm dò công bố ngày 9/7 của USA Today/Gallup cho biết, tiền bạc đang thực sự phát huy tác dụng đối với cả hai ứng cử viên tại 12 bang mà cả Cộng hòa và Dân chủ đều xác định là “các trận chiến quyết liệt”. Theo kết quả thăm dò, với tổng số tiền hơn 150 triệu USD mà cả hai bên đã chi cho việc quảng cáo thân thế và cáo buộc lẫn nhau, đến nay có xấp xỉ 70% cử tri tại các bang dao động cho biết về cơ bản đã hình thành ý tưởng sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào; khoảng 10% cho biết các nội dung quảng cáo trong thời gian gần đây đã làm thay đổi sự nhìn nhận của họ về một ứng cử viên.
Một tin tốt lành đối với ông Obama là có tới 76% cử tri tán thành các quan điểm trong các chương trình quảng cáo tranh cử của ông so với 16% hài lòng với các những gì ông Romney đang quảng rao. Một quan chức trong bộ máy tranh cử của ông Romney bác bỏ kết quả thăm dò này với lập luận rằng ông Obama nhận được nhiều sự ủng hộ hơn là nhờ từ đầu năm nay không vướng vào vòng bầu cử sơ bộ nên đã chi trước hơn 50 triệu USD cho chiến dịch quảng bá tại các bang quan trọng này.
Báo “Bưu điện Oasinhtơn” cho biết, trong thời gian hơn nửa tháng diễn ra Thế vận hội Olympic Luân Đôn (27/7 đến 12/8), hai ứng cử viên và các nhóm ủng hộ viên dự định rót tới hơn 100 triệu USD cho các quảng cáo được phát giữa các trận đấu truyền hình trực tiếp. Cụ thể, nhóm bảo thủ Crossroads GPS do ông Karl Rove, cựu cố vấn nhiều mưu mẹo của cựu Tổng thống George W. Bush thành lập và nhóm Restore Our Future cùng ủng hộ ông Romney dự kiến chi khoảng 55 triệu USD để mua các chương trình quảng cáo chống ông Obama tại các bang quan trọng như Colorado, Florida, Michigan, Bắc Carolina, New Hampshire, Nevada, Ohio và Virginia.
Trong tháng 7 này, các nhóm ủng hộ ông Romney dự chi trung bình mỗi ngày 750.000 USD riêng cho quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh tại các bang dao động. Đáp lại, ông Obama và các nhóm ủng hộ cho tới nay đã chi 5,5 triệu USD cho các quảng cáo trong thời gian diễn ra Olympic Luân Đôn và dự chi tổng cộng 49,6 triệu USD cho toàn bộ các hoạt động quảng cáo tại các bang dao động.
Theo dự tính của các chuyên gia, cuộc tổng tuyển cử năm 2012 ở Mỹ, gồm bầu cử tổng thống, toàn bộ 5 ghế Hạ viện, 33/100 ghế Thượng viện và 11/50 ghế thống đốc bang, có thể tốn hơn 6 tỷ USD.
Tổng chi phí cho cuộc tổng tuyển cử 2008 là 5,3 tỷ USD, trong đó riêng cuộc bầu cử tổng thống là 2,4 tỷ USD. Năm 2008, để đắc cử tổng thống, ông Obama đã chi hơn 750 triệu USD, so với 333 triệu USD của đối thủ Cộng hòa John McCain. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2010, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chi hết 3,6 tỷ USD, tính trung bình mỗi ghế Thượng viện tốn 9,8 triệu USD và mỗi ghế Hạ viện là 1,4 triệu USD.
Phục vụ cho cuộc đua vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng năm 2012, ông Romney đặt mục tiêu quyên góp được 800 triệu USD, trong khi ông Obama dự kiến sẽ quyên góp được 1 tỷ USD. Tính riêng tháng 6 vừa qua, ông Romney và Ủy ban toàn quốc đảng Cộng hòa quyên góp được 106,1 triệu USD, nhiều hơn 30 triệu so với kết quả thu được của ông Obama và Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ.
Thái Hùng(P/v TTXVN tại Mỹ)