Những thông tin giả xuất hiện tại một số bang trong ngày 4/11 và được nhiều người dẫn lại vì tưởng nhầm là tin thật. Phát ngôn viên của hãng tin AP, ông Patrick Maks, đã phải gửi thông cáo qua email tuyên bố những tài khoản trên là giả mạo và không liên quan đến hãng tin này.
Theo điều tra của báo Wall Street Journal (WSJ), một trong những tài khoản giả mạo thuộc về Femi Fadiya, một học sinh 17 tuổi đang sống tại London. WSJ đã liên lạc được với học sinh này và được em cho biết tài khoản Twitter đã bị chiếm rồi bị đổi tên thành AP_politics.
Từ nhiều tháng nay các cơ quan tình báo và an ninh bầu cử Mỹ cũng đã cảnh báo về khả năng xảy ra các hoạt động can thiệp nhằm gây hoang mang, nghi ngờ về tiến trình bầu cử dân chủ tại Mỹ. Họ cho rằng chính cuộc đua sít sao hiện nay của hai ứng cử viên là “mảnh đất màu mỡ” để những kẻ gây rối đưa ra các thông tin sai lệch. Hiện có một số thông tin cho rằng những tài khoản Twitter giả mạo nói trên nằm trong chiến dịch có tổ chức nhằm gây lũng đoạn thông tin bầu cử Mỹ.
Theo ông John Hultquist - Giám đốc phân tích tình báo tại Công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở tại Mỹ, càng gần đến thời điểm ngã ngũ về kết quả bầu cử, tin giả sẽ xuất hiện càng nhiều và gây nhiễu loạn trong lúc hai phe bất đồng ý kiến về kết quả nhận được. Trước tình hình này, chính quyền Mỹ đã kêu gọi người dân kiên nhẫn chờ đợi thông báo chính thức, tránh để bị lừa bởi những tài khoản giả mạo như đề cập ở trên.