Sau ba cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ là đương kim Tổng thống Barack Obama và cựu Thống đốc Mitt Romney, cử tri Mỹ vẫn phải tiếp tục chờ cho đến giữa tuần tới mới có được câu trả lời ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng để tiếp tục chèo lái nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.
Những thành tích kinh tế của ông Obama trong bốn năm cầm quyền là đáng ghi nhận, song bên cạnh đó vẫn còn những cam kết chưa được thực hiện và đây chính là "chỗ đau" mà đối thủ của đảng Cộng hòa tìm cách khoét sâu thêm.
Bức tranh kinh tế trước bầu cử
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho biết, GDP của nước này trong quý III/2012 tăng 2%, bằng mức tăng của quý I, nhưng cao hơn mức dự báo 1,9% của các chuyên gia kinh tế và cao hơn nhiều so với mức tăng 1,3% trong quý II. Mức tăng GDP này chưa đủ để vực dậy thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng được nhìn nhận là một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được củng cố và đem lại hy vọng tốc độ tăng GDP sẽ khá hơn trong quý còn lại của năm.
Tình hình kinh tế Mỹ tốt hơn một phần là nhờ chi tiêu của chính phủ và tổng đầu tư tăng 9,6% so với quý trước. Một yếu tố quan trọng khác cũng đã giúp đẩy nhanh đà tăng GDP là chi tiêu của người dân - đóng góp tới 70% vào các hoạt động của nền kinh tế Mỹ - trong quý vừa qua tăng 2% so với mức tăng 1,5% của quý trước. Kết quả điều tra của Thomson Reuters/University of Michigan cho biết ở thời điểm tháng 10/2012, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt 82,6 điểm, so với 78,3 trong tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. Điều này phản ánh sự lạc quan hơn của người dân Mỹ vào thực trạng và viễn cảnh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, số lượng các khu đất động thổ xây dựng nhà mới trong quý III cũng tăng tới 14,4%, nhờ lãi suất vay thấp sau khi chương trình nới lỏng định lượng lần ba (QE3) của Cục Dự trữ Liên bang (FED) được tung ra. Trong tháng 9, số lượng các ngôi nhà bắt đầu khởi công xây dựng là 875.000, tăng 15% so với tháng 8 và là con số cao nhất trong một tháng kể từ tháng 7/2008. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự phục hồi nhanh của lĩnh vực bất động sản và cũng sẽ tạo đà cho sự hồi phục của toàn bộ nền kinh tế trong thời điểm thị trường nhà ở Mỹ vẫn đang nỗ lực vượt khó trong 6 năm qua kể từ khi bong bóng bất động sản vỡ.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 9 đã giảm xuống 7,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009 và cũng là mức thấp nhất kể từ khi ông Barack Obama nhậm chức. Theo Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Alan Krueger, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm chứng tỏ nền kinh tế nước này đang tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao, GDP của Mỹ cần đạt nhịp độ tăng 2,5% trong vài quý liên tiếp mới có thể giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 23 triệu người thất nghiệp.
Trong khi đó, Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ cho biết chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ đã tăng lên 51,5 trong tháng 9, so với mức ước tính 49,6 trong tháng 8/2012. Đây là tháng tăng đầu tiên sau ba tháng giảm liên tiếp và là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện vẫn đang tăng trưởng ì ạch. Trong tháng 10, PMI trong lĩnh vực chế tạo ở mức 51,3, có nghĩa hoạt động của lĩnh vực này tiếp tục có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, nhu cầu của bên ngoài yếu và sự không chắc chắn về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới và chính sách tài chính đồng nghĩa với việc những khó khăn gần đây vẫn chưa được giải quyết.
Mặc dù kinh tế Mỹ gần đây đã xuất hiện nhiều điểm sáng trên thị trường nhà đất và chi tiêu của các hộ gia đình, song FED cho rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế vẫn chậm, trong khi tăng trưởng đầu tư chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. FED quan ngại nếu thiếu chính sách hỗ trợ đầy đủ, nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể chưa đủ mạnh để mang lại sự cải thiện ổn định trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước những căng thẳng trên các thị trường tài chính toàn cầu. Đó là lý do vì sao tại cuộc họp chính sách ngày 24/10, FED đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cực thấp 0-0,25% cho đến ít nhất là giữa năm 2015 và tiếp tục thực thi QE3.
Một diễn biến khác càng làm nóng thêm bầu không khí chính trị năm bầu cử 2012 là thâm thủng ngân sách liên bang của Mỹ dù giảm xuống 1.090 tỷ USD trong tài khóa 2012, so với mức thâm hụt 1.297 tỷ USD của tài khóa trước, song vẫn đánh dấu năm thứ tư liên tiếp, thâm hụt ngân sách của Mỹ ở mức trên 1.000 tỷ USD. Nếu Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được một thỏa thuận trước khi kết thúc năm 2012 về các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách và tăng thuế sẽ tự động được tiến hành, kèm theo là nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái trở lại. Trong thời gian diễn ra các cuộc vận động tranh cử, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất với Mỹ là bằng cách nào để phá vỡ thế bế tắc về tài chính.
Hai ứng cử viên - hai chiến lược
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã có ba cuộc tranh luận trực tiếp, trong đó hai cuộc tranh luận đầu tiên vào tối 3/10 và vào sáng 17/10 xoáy vào các vấn đề kinh tế như ngân sách, thuế và việc làm. Hai luận điểm mà ứng cử viên Romney dựa vào nhằm hạ điểm đối thủ là đà phục hồi kinh tế của Mỹ không chắc chắn, có nghĩa Tổng thống Obama đã thất bại và ông mới là người có khả năng hơn để khôi phục thịnh vượng của Mỹ. Trong khi đó, ông Obama đưa ra cách tiếp cận ngược lại bằng cách cố gắng thuyết phục cử tri rằng, trong khi nền kinh tế phục hồi chậm, nhiệm kỳ tổng thống của ông Romney sẽ làm mọi thứ kém đi. Ông Obama lập luận rằng ông Romney đang theo đuổi những chính sách kinh tế chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu, trong khi tầng lớp trung lưu ngày càng khó khăn.
Ông Obama đã nêu ra một danh sách những thành tựu trong bốn năm ông cầm quyền. Ông khoe đã tạo thêm hàng triệu công ăn việc làm, cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, cứu nền công nghiệp ô tô đang trên bờ vực sụp đổ và đưa ra chính sách cải cách y tế mang dấu ấn của ông. Ông cam kết sẽ tiếp tục làm việc để gia tăng tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Romney cho rằng bốn năm qua không phải chỉ toàn màu hồng như Tổng thống miêu tả. Cựu Thống đốc Romney cho rằng thành tích kinh tế của ông Obama cho tới nay khá nghèo nàn và sẽ không cải thiện trong nhiệm kỳ thứ hai. Ông đưa ra một bản danh sách của riêng ông và các lời hứa bất thành của ông Obama. Ông Romney nói Tổng thống đã cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5,4% và giảm một nửa thâm hụt ngân sách nhưng đã không làm được những điều này.
Đương kim Tổng thống Barack Obama (phải) và ông Mitt Romney (trái) trong buổi tranh luận trực tiếp thứ ba trên truyền hình. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kinh tế, nhất là việc làm, là vấn đề tranh cãi gay gắt nhất trong cuộc tranh luận. Tổng thống Obama thừa nhận tỷ lệ thất nghiệp trên 8% là cao, nhưng ông quy phần lớn trách nhiệm cho chính sách của chính phủ tiền nhiệm đã đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, ông Romney cho rằng chính quyền Obama đã thất bại trong các chính sách kinh tế, dẫn đến chỗ hàng trăm nghìn việc làm bị mất trong bốn năm qua. Ông Obama nhấn mạnh thành tích trong bốn năm ông cầm quyền đã tạo ra được 5,2 triệu việc làm, thay vì để mất 800 nghìn việc làm một tháng. Đáp lại, ông Romney cho rằng chính sách kinh tế không hiệu quả của chính quyền Obama đã đẩy 20 triệu người vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, đồng thời cam kết sẽ tạo ra 12 triệu việc làm trong bốn năm tới, nếu đắc cử Tổng thống.
Về vấn đề thuế, Tổng thống Obama nói ông đã cắt giảm thuế cho các hộ gia đình trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ trong 4 năm qua. Ông cho rằng nếu nước Mỹ nghiêm túc về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách thì người giàu phải đóng góp nhiều hơn. Ông Obama phát biểu rằng cựu Thống đốc Romney và các đồng minh của ông tại Quốc hội muốn giảm thuế cho 2% số người giàu trong xã hội. Về phần mình, ông Romney phủ nhận rằng ông có kế hoạch giảm thuế cho những người giàu có nhất và nhấn mạnh rằng 5% những người thu nhập cao nhất nên tiếp tục trả đến 60% tổng thuế như hiện nay. Ông Obama nói cử tri chưa nghe thấy gì cụ thể về bản kế hoạch thuế phác thảo của Romney. Ông Romney phản công rằng ngân sách tất nhiên sẽ tăng lên và đưa ra kinh nghiệm cân bằng ngân sách của ông.
Ngoài ra, ông Romney cũng cho rằng món nợ hơn 16.000 tỷ USD hiện nay một phần là do các kế hoạch chi tiêu quá tốn kém của Nhà Trắng, trong khi ông Obama lại cảnh báo cử tri về chủ trương giảm thuế đồng đều của ông Romney, cho rằng cách làm đó chỉ nhằm duy trì các chế độ ưu ái đối với thiểu số những người giàu. Tổng thống Obama bác bỏ sự cáo buộc của ông Romney nói rằng cắt giảm ngân sách là làm suy yếu quân đội Mỹ, cho rằng đó vừa là một biện pháp giúp cân bằng ngân sách vừa là một cách thức để không phải tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu và các tập đoàn.
Thế ngang bằng rồi thay nhau vượt lên dẫn điểm giữa đương kim Tổng thống và ứng viên của đảng Cộng hòa trong suốt tháng qua báo hiệu cuộc bầu chọn Tổng thống Mỹ năm 2012 vào ngày 6/11 tới là rất căng thẳng và khó dự đoán kết quả. Cử tri Mỹ hiện vẫn còn nhiều băn khoăn giữa việc nên bầu ông Obama thêm một nhiệm kỳ bốn năm để ông có thể tiếp tục chương trình phục hồi kinh tế hay nên bầu ông Romney lên thay để tạo ra luồng sinh khí mới. Với nhịp độ tăng GDP vẫn chưa vượt qua mức 2% như hiện nay cộng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao trên dưới 8%, có gần 2/3 cử tri Mỹ nói rằng yếu tố kinh tế tác động mạnh nhất tới sự lựa chọn của họ trong năm bầu cử 2012.
Lê Minh (Tổng hợp)