Liên tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò diễn ra suốt chiến dịch tranh cử, song ứng cử viên của đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) - đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng như êkíp tranh cử của ông đang mất dần "phong độ" khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đến rất gần.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận tính đến ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử đã đẩy lợi thế của ứng cử viên đối thủ thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS) – ông Francois Hollande lên vị trí dẫn đầu.
Cuộc đọ sức quyết liệt Sarkozy - Hollande
Mặc dù có tới 10 ứng cử viên hoàn tất quy trình đăng ký tranh cử – điều kiện bắt buộc để bước vào cuộc đua vào Điện Elise, song trên thực tế, sàn đấu này chỉ dành cho 2 ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Sarkozy của đảng UMP và ông Hollande thuộc đảng cánh tả PS. Tuy nhiên, đây cũng là cuộc đua “song mã” hiếm thấy khi hai ứng cử viên nhiều lợi thế trong một kỳ bầu cử tổng thống đều có những bước tiến tích cực trước các đối thủ chính còn lại. Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến, tỷ lệ cử tri Pháp dự định sẽ bỏ phiếu cho hai ứng cử viên hàng đầu này đều tăng nhẹ trong suốt gần 3 tháng diễn ra cuộc vận động tranh cử.
Chính sự gia tăng tỷ lệ ủng hộ này trong những ngày cuối lại trở thành yếu tố khiến giới phân tích khó có thể dự đoán chắc về khả năng ai sẽ về đích. Cách biệt không đáng kể (80% dành sự ủng hộ cho ông Hollande và 78% cho ông Sarkozy trong vòng một) giữa hai ứng cử viên hàng đầu này đang làm chệch hướng những dự báo từ trước cho rằng ông Sarkozy sẽ dẫn đầu trong vòng một cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 22/4 và ông Hollande chỉ về đích trong vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 6/5.
Cuộc đọ sức quyết liệt Sarkozy - Hollande. Ảnh: Internet. |
Những ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử Tổng thống Pháp càng trở nên quyết liệt khi các ứng cử viên liên tục “tung” chiêu thức vận động mới công kích lẫn nhau. Trong khi ứng cử viên UMP đưa ra cam kết sẽ giảm nợ công từ 85,8% GDP trong năm 2011 xuống 80,2% GDP và đạt thăng dư ngân sách vào năm 2017, thì ứng cử viên PS lại cho rằng cương lĩnh tranh cử của ông Sarkozy chẳng có gì mới, bằng chứng là ông đã từng đưa ra những kế hoạch “hoành tráng” khi tranh cử năm 2007, nhưng rốt cuộc chẳng có gì được thực hiện. Nước Pháp hiện tại ở trong tình trạng hết sức khó khăn, đối mặt với núi nợ công khổng lồ 1.690 tỷ euro (chiếm tới 85% GDP), số người thất nghiệp tăng từ 5% vào thời điểm ông Sarkozy nhậm chức tăng lên gần 10% tính đến cuối năm 2011 (khoảng 2,87 triệu người), mức cao nhất trong 12 năm qua. Để thu hút sự quan tâm của cử tri, ông Hollande đã đưa ra một lộ trình tranh cử với những cam kết và chính sách ưu tiên khác nhau cho từng giai đoạn. Bắt đầu từ việc giảm 30% lương tổng thống và các thành viên chính phủ, tăng 25% trợ cấp đầu năm học cho học sinh cho đến không tăng giá nhiên liệu trong vòng 3 tháng… Có lẽ một trong những kế hoạch ấn tượng nhất là thực hiện cải cách thuế, theo đó sẽ đánh 75% thuế đối với những người giàu có thu nhập trên 1 triệu euro/năm. Đây được coi là kế hoạch khác biệt nhất so với chính sách của ông Sarkozy, vốn từng bị chỉ trích rằng chỉ có lợi cho người giàu. Mặc dù vậy, ông Sarkozy vẫn mạnh mẽ công kích đối thủ khi cho rằng ông Hollande không tôn trọng người dân, đánh cược tương lai của người dân và tiến hành chiến dịch tranh cử bằng những lời dối trá, khẳng định đây không phải là lúc cho các thử nghiệm kinh tế liều lĩnh và các dự án viển vông. Hơn thế nữa, ông Sarkozy còn khiêu khích ứng cử viên Hollande khi tuyên bố ông này không có ý tưởng gì để đặt lên bàn ngoài ý tưởng chỉ trích ông. Với lời lẽ mỉa mai, ông Sarkozy nói: "Liệu có hợp lý không khi ông ấy nói sẽ tạo ra thêm 60.000 việc làm trong ngành giáo dục trong 5 năm tới? Có hợp lý không khi ông ấy nói sẽ hợp thức hóa cho tất cả những người nhập cư?".
Thay đổi đến giờ G?
Việc Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy chính thức tuyên bố tái tranh cử đã cho thấy sự mở màn cho cuộc đua cực kỳ khó dự báo để bầu chọn vị trí người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đắc cử đầy ấn tượng năm 2007 sau một cuộc vận động tranh cử đầy nghị lực với chủ đề "lật qua trang sử mới", song vào thời điểm tái tranh cử, uy tín của ông đang giảm mạnh và bị phủ bóng đen bởi các vụ tai tiếng và thất bại. Có vẻ như thành tích kinh tế quá khiêm tốn của Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm của ông Sarkozy sẽ khó có thể thuyết phục được một bộ phận không nhỏ người dân Pháp tiếp tục ủng hộ ông trong cuộc đua này.
Mặc dù vậy, ông Sarkozy vẫn cho rằng kinh nghiệm điều hành đất nước và vai trò trung tâm của ông trong nỗ lực của châu Âu giải quyết cuộc khủng khoảng nợ công sẽ là vũ khí lợi hại nhất để người đứng đầu nước Pháp chống lại ông Hollande. Tuy nhiên, tâm lý muốn thay đổi của cử tri Pháp sau 17 năm cầm quyền của cánh hữu đang là một lợi thế cho ông Hollande. Đặc biệt việc nhân vật nổi tiếng "nhiều mưu mẹo" này từng trải qua một thời gian thuận lợi khi là người "duy nhất" trong số các ứng cử viên công bố được một chương trình với nội dung kèm theo đầy đủ số liệu để "có thể định lượng", một khác biệt lớn so với ông Sarkozy. Chương trình này dù đã giúp ông Hollande trở thành ứng cử viên được đánh giá là "khoa học và thực tế", song giới phân tích cho rằng các diễn văn tranh cử của ông sau đó lại không bảo vệ được một cách thuyết phục các nội dung đã nêu trong dự án của mình.
Trong lúc này, ứng cử viên đảng Mặt trận Cánh tả (FG), ông Jean-Luc Mélenchon đang được coi là một phát hiện lớn, thậm chí là duy nhất trong chiến dịch tranh cử. Từ chỗ chỉ nhận được chưa đầy 5% số phiếu ủng hộ tại các thăm dò khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ứng cử viên này đã ngày càng chứng tỏ được sự tiến bộ với số người ủng hộ tăng lên 10%, rồi 15% tính đến thời điểm hiện tại. Theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ông Mélenchon có nhiều khả năng vượt lên trên cả đối thủ trực tiếp Marine Le Pen để giành vị trí người về thứ ba ở vòng một. Theo giới phân tích, thành công của ứng cử viên Mélenchon rất có ý nghĩa đối với ông Hollande trong bầu cử vòng hai, đặc biệt trong trường hợp ông Mélenchon giành vị trí số ba ở vòng một.
Cho dù cuộc đua tranh giữa các ứng cử viên hàng đầu rất quyết liệt , song các chuyên gia phân tích cho rằng cương lĩnh tranh cử của các chính trị gia này ít thu hút được sự quan tâm của người dân Pháp. Ngoài những khối cử tri ủng hộ có tính truyền thống, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy mức độ quan tâm của người dân với bầu cử đã giảm, phần nào thể hiện sự thất vọng của cử tri Pháp (vài ngày trước bầu cử vòng một, có tới 23% số cử tri Pháp - khoảng 6 – 8 triệu người, chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào). Trong bối cảnh người dân bận tâm nhiều về các vấn đề kinh tế, xã hội, việc làm... thì cả hai ứng cử viên hàng đầu Sarkozy và Hollande đều chưa thực sự đáp ứng được sự trông đợi từ cử tri để tạo dựng lòng tin về các chủ đề chính mà người dân Pháp quan tâm.
Phương Hoa