Đây là lần đầu tiên tỷ lệ ứng cử viên nữ tham gia bầu cử tại hai viện của Quốc hội Nhật Bản vượt quá 30% kể từ năm 1946, khi nữ giới nước này được phép tham gia bầu cử và tranh cử. Điều này đã cho thấy nỗ lực cải thiện bình đẳng giới tại quốc gia Đông Bắc Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, số lượng ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản năm nay tăng 175 người so với bầu cử năm 2019, trong đó có tới 77 ứng cử viên nữ. Cụ thể, tỷ lệ ứng cử viên nữ của đảng Cộng sản (JCP) đạt mức cao nhất với 55,2%, tiếp theo là đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) với 51,0%, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) với 41,7%, đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) với 40,9%, Reiwa Shinsengumi với 35,7%, Nippon Ishin no Kai với 30,4%. Trong khi đó, tỷ lệ ứng cử viên nữ ở liên minh cầm quyền khá thấp - với 23,2% của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và 20,8% ở đảng Công minh.
Tuy nhiên, tỷ lệ ứng cử viên nữ tăng không đồng nghĩa với việc tăng số lượng các nghị sĩ nữ tại hai cơ quan lập pháp Nhật Bản. Ví dụ, trường hợp JCP có tỷ lệ ứng cử viên nữ cao nhất với 55,2% trong tổng số 58 ứng cử viên tham gia tranh cử, nhưng hiện chỉ có 5 ghế đương nhiệm trong Thượng viện, trong khi số ghế đương nhiệm của LDP và đảng Công minh chiếm tỷ lệ áp đảo.
Dù sao, đây vẫn được xem là nỗ lực thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Nhật Bản kể từ khi Luật Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được ban hành năm 2018 khuyến khích các đảng phái tại Nhật Bản tăng số lượng các thành viên nữ. Bên cạnh đó, năm 2020, Chính phủ Nhật Bản dưới thời chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đã thông qua Kế hoạch 5 năm về bình đẳng giới, nhấn mạnh mục tiêu ít nhất 30% vị trí lãnh đạo đất nước do phụ nữ đảm nhiệm vào thập kỷ tới. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khi nhậm chức cũng đã khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới của người tiền nhiệm và thể hiện quyết tâm “trở thành một trong những quốc gia đóng góp hàng đầu cho Liên hợp quốc”.
Sự tiến bộ về quyền của phụ nữ ở Nhật Bản đòi hỏi một hành trình dài cải cách cơ bản khi quan niệm phụ nữ cần tập trung cho các công việc gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức trong xã hội quốc gia này. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nhật Bản đứng thứ 120/156 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ cải thiện một chút so với vị trí 121/153 của báo cáo năm 2020.