Cuối cùng, đảng Cộng hòa đã chốt được nhân vật sẽ ra đấu với ứng cử viên gần như chắc chắn của Dân chủ - Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama. Đó là một cái tên đã làm mưa làm gió trên các phương tiện truyền thông Mỹ với một chiến dịch tranh cử tốn kém và dài hơi, cái tên được nhắc nhiều đến nhất trước, trong và sau các cuộc bầu cử sơ bộ của Cộng hòa - cựu Thống đốc Mitt Romney. Vậy ai sẽ là người cán đích trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng này và điều gì sẽ quyết định lá phiếu của cử tri? Hơn bao giờ hết, kinh tế nước Mỹ trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 - 2009 được coi là nhân tố hàng đầu chi phối sự lựa chọn vị chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Cơ hội của gương mặt mới
Trong bối cảnh hiện tại, Tổng thống Obama phải đối mặt với một cuộc chiến nhằm đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 không khiến ông phải rời Nhà Trắng chỉ sau một nhiệm kỳ. Cũng giống như những người đồng cấp khác ở châu Âu, những thách thức mà ông phải đương đầu bao gồm: Tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng kinh tế chậm, các khoản nợ công khổng lồ cùng sự bi quan ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu. Và thách thức của ông Obama cũng chính là cơ hội cho ông Romney.
Đương kim Tổng thống Obama (trái) và cựu Thống đốc Romney, ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua tháng 11 tới? Ảnh: Internet |
Mặc dù Tổng thống Obama vẫn đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận bất luận kinh tế Mỹ phục hồi ở mức chậm nhất trong hàng thập kỷ qua, song tỷ lệ ủng hộ ông chắc chắn sẽ giảm nếu như kinh tế Mỹ trong năm nay suy giảm như năm 2010 và 2011.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ chưa cảm thấy kinh tế phục hồi, hay hiệu quả của chiến lược tạo việc làm mà ông Obama đề ra... Đây là những cơ hội thực sự cho ông Romney. Trong một dấu hiệu phản ánh tính chất căng thẳng và quyết liệt của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, kết quả cuộc thăm dò chung của CNN/ORC International những ngày cuối tháng 5 vừa qua cho thấy đại diện của đảng Con Voi (biểu tượng của Đảng Cộng hòa) đang thu hẹp dần khoảng cách với đối thủ. Có khoảng 48% số cử tri được hỏi nhìn nhận tích cực về ông Romney và 42% chưa hài lòng với vị cựu thống đốc 65 tuổi này. Như vậy, tỷ lệ cử tri đánh giá tích cực về ông Romney đã tăng 14% kể từ tháng 2. Trong khi đó, tỉ lệ cử tri nhìn nhận tích cực và không tích cực về đương kim Tổng thống Barack Obama ở thời điểm hiện tại là 56% và 42%, không thay đổi so với kết quả thăm dò hồi tháng 3 và tháng 4.
Không chỉ cuộc khủng hoảng niềm tin trong nước, “con bệnh” nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng và châu Âu nói chung vô hình trung cũng ít nhiều tạo thuận lợi cho ông Romney.
Cuộc khủng hoảng kinh tế xuyên Đại Tây Dương đã khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bị "thất sủng", trong đó phải kể tới những cái tên như Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi... Mặc dù cuộc bầu cử tại mỗi nước bị nhiều yếu tố khác nhau chi phối, song tất cả các nhà lãnh đạo này đều phải hứng chịu hậu quả từ thất bại trong các chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua. Vì vậy, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, không thể loại bỏ giả thuyết rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama có thể trở thành "nạn nhân" tiếp theo của khuynh hướng đang định hình bức tranh chính trị thế giới.
Lợi thế của ông Obama
Tuy nhiên, ứng cử viên Romney cũng có rất nhiều điều phải lo ngại và đây cũng là những điều làm nên lợi thế cho đối thủ Obama.
Thứ nhất, mặc dù so với tổng thống đương nhiệm, ông Romney giành được nhiều hơn sự ủng hộ của cử tri Mỹ da trắng, nhưng lại nhận được ít hơn sự ủng hộ của khối cử tri quan trọng là phụ nữ và người Mỹ gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - mức độ chênh lệch đủ để dẫn tới thất bại.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Chính trị George Washington công bố hồi đầu tháng 5, ông Obama đang dẫn trước đối thủ trong các vấn đề như chính sách đối ngoại, tầng lớp trung lưu và giá tiêu dùng. Cử tri Mỹ có vẻ vẫn thích ông Obama hơn và họ tin rằng ông là người quan tâm hơn tới tầng lớp trung lưu.
Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Obama cam kết sẽ xây dựng một nền kinh tế công bằng, những người giàu sẽ phải đóng góp nhiều hơn một cách tương xứng. Đồng thời ông cũng kêu gọi các cử tri hãy tiếp tục hướng đến tương lai và không nhìn vào những thất bại trong quá khứ. Trong bài phát biểu vận động tranh cử tại bang Ohio và Virginia, ông nói: "Các bạn biết đó, điều sẽ thật sự thay đổi cuộc sống của chính bạn và con em bạn không phải là những gì bạn sẽ làm hôm nay, mà là những gì bạn sẽ làm trong tương lai”.
Thêm vào đó, mặc dù số lượng việc làm được tạo ra đang có xu hướng chững lại - với khoảng 115.000 nhân công mới trong tháng 4/2012 - song tình trạng thất nghiệp tại Mỹ cũng chưa xuống tới mức báo động như tại châu Âu. Và không như nhiều nước Eurozone khác vẫn tiếp tục trượt sâu vào khủng hoảng, nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng, dù chỉ dừng ở mức khiêm tốn là 2,2% trong quý I/2012.
Ngoài ra, cỗ máy vận động tranh cử của ông Obama sẽ tìm cách khai thác "danh tiếng" của ông Romney là người đôi khi "làm giàu" trên việc làm của người khác, tấn công vào sự giàu có của ông Romney - triệu phú có tài sản khoảng 250 triệu USD. Đây là mảng đối lập khá lớn giữa Obama và Romney - giữa một người theo đuổi tầm nhìn về một nền kinh tế công bằng cho tất cả mọi người với một người là đại diện cho lớp người giàu trong xã hội Mỹ đa tầng.
Còn khoảng 5 tháng nữa là tới cuộc bầu cử và hiện vẫn còn quá sớm để nói về chân dung của tổng thống tương lai của nước Mỹ. Và tại xứ cờ hoa, dường như không có gì là không thể!
Phương Hồ